A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hai điểm nghẽn của kinh tế Trung Quốc

Những cú cắt lãi suất bất ngờ dường như không đủ sức đảo chiều nền kinh tế đang bị hai hòn đá tảng níu chân của Trung Quốc

Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất cho vay hôm 22-8, chỉ một tuần sau khi ngân hàng trung ương nước này bất ngờ cắt giảm 2 loại lãi suất khác.

Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa giảm 15 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay chuẩn (LPR) thời hạn 5 năm, từ 4,45% xuống 4,3%, đồng thời giảm 5 điểm cơ bản đối với LPR thời hạn 1 năm, xuống 3,65%. Hầu hết các khoản vay mới ở Trung Quốc đang căn cứ trên LPR 1 năm.

Tuần trước, PBOC giảm 10 điểm cơ bản đối với lãi suất của các khoản vay trong cơ chế cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm dành cho một số tổ chức tài chính, song song đó giảm 10 điểm cơ bản (xuống còn 2%) đối với tỉ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, phản ứng tích cực với động thái này không kéo dài lâu.

"Các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới không hiệu quả, bởi điều mà kinh tế Trung Quốc đang khao khát lúc này là người tiêu dùng ra đường xài tiền trở lại" - ông Atilla Widnell, Giám đốc điều hành Công ty Navigate Commodities, nhấn mạnh với kênh CNBC.

Hai điểm nghẽn của kinh tế Trung Quốc - Ảnh 1.

Công nhân tại một công trường xây dựng ở Bắc Kinh - Trung Quốc hồi tháng 7-2022 Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, PBOC biết rằng kích thích quá nhiều có thể tạo thêm áp lực lạm phát và có nguy cơ đẩy dòng vốn ra nước ngoài trong thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và nhiều nền kinh tế khác tích cực tăng lãi suất. Dù vậy, nhu cầu tín dụng yếu khiến PBOC buộc phải làm như thế để cố giữ kinh tế Trung Quốc không bị "chìm".

Nền kinh tế số 2 thế giới tránh được cảnh tăng trưởng âm trong quý II năm nay song ông Raymond Yeung, nhà kinh tế tại Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand, chỉ ra: "Các dữ liệu kinh tế tháng 7 của Trung Quốc rất đáng báo động". Doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư đều chậm lại và không đạt được mức ước tính trước đó của các nhà kinh tế, còn tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 cao kỷ lục với 19,9%.

Tuần trước, hàng loạt ngân hàng đầu tư hạ dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Trung Quốc, từ 3,3% còn 3% (Goldman Sachs) và từ 3,3% còn 2,8% (Nomura)… - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% của Bắc Kinh.

Điểm nghẽn thứ nhất của kinh tế Trung Quốc đến từ chính sách "không Covid-19" nghiêm ngặt. Nhà kinh tế trưởng Clifford Bennett của ACY Securities khẳng định: "Covid-19 đã tạo ra một bước chuyển cơ bản và lâu dài đối với kinh tế Trung Quốc. Thời kỳ tăng trưởng nhanh và dễ dàng trong quá khứ đã chấm dứt".

Đáng chú ý, theo hãng tin Bloomberg, giới lãnh đạo Trung Quốc đã loại trừ một gói kích thích quy mô lớn và tuyên bố tiếp tục "không Covid-19", khiến nhiều tỉnh, thành ngừng hoạt động doanh nghiệp và phong tỏa cư dân mỗi khi có đợt bùng phát mới, như trường hợp đảo du lịch Hải Nam hiện nay.

Việc hạ LPR thời hạn 5 năm - cũng là lãi suất tham chiếu cho vay thế chấp - chứng tỏ giới hoạch định chính sách Trung Quốc muốn ổn định thị trường bất động sản sau một loạt cú vỡ nợ của các công ty cùng với doanh số bán nhà giảm mạnh - theo Reuters. Đây chính là điểm nghẽn thứ 2 của kinh tế Trung Quốc hiện nay.

Đánh giá về đợt giảm lãi suất ngày 22-8, ông David Chao, chiến lược gia thị trường toàn cầu của Invesco, cho rằng làm như vậy chưa đủ tăng thanh khoản, đồng thời chỉ ra lãi suất cho vay thế chấp thấp hơn không có nghĩa là doanh số bán nhà sẽ cao hơn.

Ông Chen Long, nhà kinh tế tại Công ty tư vấn Plenum, nói với Bloomberg rằng giới chức Trung Quốc đang cố làm điều mà họ chưa từng thành công trong hơn 2 thập kỷ qua: Hồi sinh nền kinh tế mà không dựa vào một cơn sốt bất động sản.

"Bắc Kinh sẽ phải nới lỏng tiền tệ nhiều hơn nữa nếu họ thực sự muốn thúc đẩy một chu kỳ tín dụng mới" - ông Long nói. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, PBOC có thể không vội hạ tiếp lãi suất bởi lo ngại giá thực phẩm leo thang cùng các tác động tiềm tàng từ chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước phát triển.

Mặt trận cạnh tranh mới

Mỹ đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong tháng 6, Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo thuộc Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) cam kết hỗ trợ đầu tư cho sáng kiến "Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu" trị giá 600 tỉ USD vào năm 2027, riêng Mỹ đóng góp khoảng 200 tỉ USD.

Mỹ tăng tốc chiến lược nói trên vào thời điểm bấp bênh của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, với việc thiếu hụt nguồn vốn và phản ứng chính trị khiến một số dự án bị đình trệ. Theo đài CNN, các nhà phân tích nhận định những thách thức kinh tế trong nước và môi trường tài chính đang thay đổi trên toàn cầu cũng có khả năng tác động đến cách Trung Quốc triển khai quỹ đầu tư này.

Nhà nghiên cứu Ammar A. Malik, người đứng đầu Chương trình Tài chính phát triển Trung Quốc của Phòng Nghiên cứu AidData (Mỹ), cho biết 35% dự án BRI đang gặp trở ngại về vấn đề môi trường, bê bối tham nhũng và vi phạm lao động.

Nhà phân tích dữ liệu Oyintarelado Moses thuộc Trung tâm Chính sách Phát triển toàn cầu (Mỹ) nhận định khả năng tài chính của ngân hàng chính sách Trung Quốc đã suy giảm do đại dịch nên các tổ chức Trung Quốc sẽ xem xét lại chiến lược của họ.

Trong khi đó, Mỹ và các đối tác cần phải làm nhiều hơn để trở thành "nguồn đầu tư thay thế mạnh mẽ" so với Trung Quốc. Ông Christopher Isike, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Trường ĐH Pretoria (Nam Phi), nhận định khi cuộc cạnh tranh cường quốc quay trở lại châu Phi, câu hỏi đặt ra không phải là các quốc gia ở đây sẽ lựa chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc mà là họ có tận dụng được những lợi ích nhờ vào cuộc cạnh tranh này không.

Xuân Mai


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm