A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ môi trường - những thông điệp đầu Xuân Bính Thân 2016

 Đầu Xuân Bính Thân 2016, nhóm phóng viên Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã ghi lại những ý kiến của lãnh đạo, các nhà quản lý ngành TN&MT trên mọi miền Tổ quốc. Từ Thủ đô Hà Nội thân yêu đến TP.HCM sôi động, từ quê hương đất Tổ đến vùng rẻo cao Yên Bái… đâu đâu cũng đề cao vai trò của công tác bảo vệ môi trường.

 

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân

Ông VÕ TUẤN NHÂN - Thứ trưởng Bộ TN&MT: “Bảo vệ môi trường cần trách nhiệm của cả cộng đồng”

Chúng ta đón Xuân Bính Thân 2016 trong khí thế vui mừng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta chào mừng thắng lợi của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đại hội đã đề ra đường lối phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trong giai đoạn mới trong đó có việc liên tục đề cao công tác bảo vệ môi trường.

Đảng ta cũng có nhiều nghị quyết về bảo vệ môi trường. Đặc biệt lần này, Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII cũng xác định bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Nhiệm vụ bảo vệ môi trường không chỉ là của toàn cầu, của đất nước, của liên vùng, liên tỉnh mà còn là của mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư và của toàn xã hội…

Nhân dịp năm Ất Mùi vừa đi qua và năm mới Bính Thân vừa mới đến, tôi mong rằng, mọi người hãy chung tay vì cuộc sống tươi đẹp, bảo vệ môi trường trong lành, thực thi Hiến pháp năm 2013 của nước ta là đảm bảo cho mọi người có quyền sống trong môi trường trong lành và đồng thời có trách nhiệm bảo vệ môi trường, chung tay gìn giữ môi trường của chúng ta xanh, sạch đẹp. Nhân dịp này, tôi cũng xin kính chúc các đồng chí công tác trong ngành môi trường một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công.

Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng
Ông Nguyễn Toàn Thắng

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG - Thành ủy viên - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM: “Mỗi cá nhân cần thay đổi từ trong nhận thức”

Vấn đề “suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu” đang thách thức chúng ta. Có rất nhiều thứ cần thay đổi nhưng trước hết nhận thức con người cần phải thay đổi.

“Suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu” đang được đề cập ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng ở mọi cấp độ từ các địa phương đến cấp quốc gia cũng như toàn cầu. Bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết đã trở thành nhiệm vụ cấp bách không của riêng ai, là một vấn đề lớn có ảnh hưởng đến điều kiện sống của mọi dân tộc và phát triển kinh tế trên toàn thế giới. Cần có nhiều biện pháp để thay đổi nhưng trên hết nhận thức con người cần phải thay đổi. Công tác tuyên truyền và giáo dục môi trường là một trong những biện pháp có hiệu quả lâu dài và bền vững với hy vọng nhiều người sẽ nhận thức được thực trạng của vấn đề suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, thấy được trách nhiệm và tầm quan trọng của cá nhân mình trên các vấn đề ấy để có thể thay đổi thái độ từ bàng quan đến tích cực và thể hiện bằng những hành động cụ thể góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tôi tin chắc rằng nếu ý thức bảo vệ môi trường trở nên thường trực trong mỗi người thì không chỉ chúng ta mà con cháu mai sau sẽ được hưởng một môi trường sống trong lành hơn.

Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông
Ông Nguyễn Trọng Đông

Ông NGUYỄN TRỌNG ĐÔNG - Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội: “Khuyến khích xây dựng hương ước, quy ước… bảo vệ môi trường”

Nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống, trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình bảo vệ môi trường nổi bật là công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tự nguyện vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư… Các chương trình như “5 không 3 sạch”, “điểm xử lý thu gom rác thải”… được ra đời góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.

Để giải quyết tình trạng ùn ứ rác thải, Hà Nội đã liên tục đẩy mạnh các chương trình cơ giới hóa công tác này. Hiện thành phố đã có 4 nhà máy đốt rác thải sinh hoạt, mở rộng 4 khu xử lý rác thải tập trung, bố trí cự ly hợp lý để đảm bảo cự ly vận chuyển phù hợp… Muốn làm được những điều này, bên cạnh sự đầu tư của Thành ủy, UBND thành phố, ngành TN&MT chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi người dân. Trước hết mỗi hộ gia đình cần không ngừng nâng cao ý thức trong việc phân loại rác thải tại nguồn để rác thải khi ra đến điểm thu gom đã được phân loại một cách khoa học.

Ngoài ra, tôi cho rằng công tác bảo vệ môi trường nói chung và xử lý rác thải nói riêng không chỉ ở nội thành, ở đô thị và ở các các vùng ngoại thành. Ngành TN&MT Hà Nội kêu gọi, luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho việc thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường, xây dựng hương ước, quy ước… bảo vệ môi trường ở  nông thôn đặc biệt là các làng nghề. Cùng với đó, chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp tăng cường việc giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Trung Kiên - Trưởng phòng TN&MT huyện Lục Yên
Ông Phạm Trung Kiên 

Ông PHẠM TRUNG KIÊN – Trưởng phòng TN&MT huyện Lục Yên – Yên Bái: “Cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn các quy định về bảo vệ môi trường cho cán bộ cơ sở”.

Để nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường ở một huyện miền núi như Lục Yên, tôi cho rằng cần đẩy mạnh việc tổ chức tuyên truyền phổ biến các quy định của Nhà nước về quản lý khoáng sản và bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức và cá nhân trên địa bàn huyện biết và thực hiện.

Ngoài ra cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy, Chính quyền  từ cấp huyện đến cấp xã và cả các thôn bản. Tôi cho rằng chúng ta cần thường xuyên tổ chức hoặc phối hợp với các cấp, các ngành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức cá nhân đối với việc khai thác, chế biến khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Chúng ta cũng cần đạo UBND các xã, thị trấn trong phạm vi quyền hạn của mình làm tốt công tác quản lý Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội trong đó gắn chặt với bảo vệ môi trường…

Để làm được những điều này, tôi cho rằng cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn các quy định về bảo vệ môi trường cho cán bộ nhất là cấp xã, thị trấn và đặc biệt là ở cấp thôn bản…

Ông Nguyễn Văn Hậu
Ông Nguyễn Văn Hậu

Ông NGUYỄN VĂN HẬU - Giám đốc Sở TN&MT Phú Thọ: “Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các tổ chức chính trị, xã hội”

Để nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, tôi cho rằng mỗi đơn vị trong ngành TN&MT cần cụ thể hóa kế hoạch công tác theo từng tháng, từng quý. Cần giao việc cụ thể cho từng cán bộ phụ trách thực hiện nhiệm vụ. Hàng tháng, lãnh đạo Sở TN&MT., lãnh đạo Chi cục Môi trường và các đơn vị chức năng cần tổ chức kiểm điểm đánh giá kết quả để đánh giá tiến độ thực hiện nhiệm vụ để xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh tăng cường việc kiểm soát công việc để đảm bảo giải quyết nhanh nhất công việc được giao.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tăng cường chủ động và phối hợp công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức cá nhân, xử lý nghiêm những đối tượng gây ô nhiễm môi trường và buộc phải khắc phục điểm gây ô nhiễm…

Muốn làm được những điều đó, bên cạnh sự cố gắng của ngành TN&MT, tôi cho rằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức chính trị xã hội như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuồi… bởi các tổ chức này chính là nơi tập hợp đông đảo quần chúng, hội viên. Nếu phát huy tốt sức mạnh của các tổ chức chính trị xã hội, tôi nghĩ công tác bảo vệ môi trường sẽ ngày một được nâng cao.

 

 

 

 

 

 

Nguồn Báo Tài Nguyên Và Môi Trường


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm