A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng nông thôn mới mang lại lợi ích thiết thực cho người dân

Tính đến cuối năm 2024, tỉnh Kiên Giang có 111/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10/15 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2024 ước đạt gần 82 triệu đồng/người/năm. Những nỗ lực và kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới đã mang đến nhiều lợi ích thiết thực, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Hơn 2 tuần qua, người dân sống hai bên tuyến đường dọc sông Cái Lớn thuộc ấp Bình Lợi, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành rất phấn khởi khi con đường bê tông rộng 4,5m được đầu tư hoàn thành với tổng chiều dài 8 km. Đây là con đường chính nối từ ấp Bình Lợi đến trung tâm xã Minh Hòa. Con đường mới không chỉ mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn mà còn giúp việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn. Những ngày gần đây, xe tải đến tận vườn nhà thu mua dứa, cau, dừa, vịt, gà, lợn, giá cao hơn so với trước đây từ 5-10%. Người dân vui mừng vì giao thương hàng hóa thuận tiện mà càng phấn khởi hơn khi làng quê khang trang, sạch đẹp.

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Châu Thành, những năm qua, huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí, tăng thu nhập cho nhân dân. Đến nay, huyện có 23 sản phẩm OCOP, thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/người/năm.

Từ giữa năm 2023 đến nay, nhờ được đầu tư Trạm bơm tát tập trung và hệ thống giám sát côn trùng thông minh giúp hơn 100 hộ dân ở trong và ngoài ấp Minh Hưng giảm chi phí đầu tư ban đầu, nâng cao năng suất lúa, lợi nhuận khoảng 20% so với trước đây. Trước đây, người dân chỉ gieo sạ được 2 vụ/năm, năng suất lúa tương đối thấp. Từ giữa năm 2023 đến nay, nông dân sản xuất 3 vụ/năm, năng suất tăng cao nhờ bơm thoát nước tự động qua điện thông minh và việc phát hiện phòng trừ sâu rầy kịp thời. Qua sơ tính, nông dân trong Tổ bơm tát mỗi năm lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/ha, tăng khoảng 15 triệu đồng so với trước.

Từ năm 2011 đến nay, huyện Châu Thành làm mới và nâng cấp mở rộng hơn 100 tuyến đường giao thông, trên 100 cây cầu. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn được kết nối thông suốt, an toàn, sạch đẹp, người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng. Hệ thống trường học, trạm y tế được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Lâm Minh Công, Bí thư Huyện ủy Châu Thành cho hay, huyện cũng chú trọng việc giảm nghèo, an sinh xã hội; đồng thời đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để người dân, nhất là hộ nghèo được tiếp cận phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ hơn 15% vào năm 2010, xuống còn 1,2% vào cuối năm 2024. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. An ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Giang Thành là một huyện điều kiện kinh tế khó khăn của Kiên Giang, 5 xã có đường biên giới dài hơn 35km giáp Campuchia va có đông đồng bào Khmer sinh sống. Để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị…những năm qua, huyện tập trung thực hiện quyết liệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật, từ năm 2016 đến nay, huyện xây dựng mới, nâng cấp hơn 70km đường trục xã, liên xã, hơn 200km đường trục ấp, xóm được bê tông hoặc nhựa hóa. Đến nay, lưới điện quốc gia đảm bảo phục vụ tốt sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt trên 99,2%, cao hơn 10% so với năm 2016.

Ông Tạ Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Giang Thành thông tin, hơn 10 năm trước, đa phần diện tích đất nông nghiệp của huyện nhiễm phèn, nhiễm mặn. Hệ thống thủy lợi còn hạn chế nên sản xuất lúa, cây trồng, vật nuôi hiệu quả không cao. Đa phần nông dân sản xuất 1 vụ lúa/năm và năng suất bình quân đạt khoảng 5 tấn/ha, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm.


Do đó, huyện đặc biệt chú trọng đầu tư hạ tầng thủy lợi đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, nông dân sản xuất được từ 2 - 3 vụ lúa/năm, năng suất tăng dần qua từng năm và hiện nay đạt khoảng 6,5 tấn/ha vụ Hè Thu, 9 tấn/ha vụ Đông Xuân, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2024 đạt trên 65 triệu đồng/người/năm.

Ông Dương Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - nông dân Giồng Tượng, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành cho biết, Hợp tác xã được thành lập từ năm 2022, hiện có 45 thành viên, phục vụ các dịch vụ cày, xới, bơm tát, thu hoạch lúa, bón phân... hơn 700ha của nông dân trong và ngoài xã. Hợp tác xã giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận bởi được liên kết công ty thu mua lúa với giá ổn định, cao hơn thị trường. Một đổi thay tích cực nhất trong xây dựng nông thôn mới là việc đầu tư hạ tầng thủy lợi, làm đường giao thông và liên kết tiêu thụ lúa, giúp tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến nay, tỉnh có 111/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 3 huyện hoàn thành nhiệm vụ đang được UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của Kiên Giang đạt gần 82 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh hiện có 293 sản phẩm gồm 6 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao, 36 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 251 sản phẩm đạt hạng 3 sao./.

Văn Sĩ


Tác giả: Trần Văn Sĩ
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm