Vĩnh Phúc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Việc thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã từng bước giúp đời sống người dân được cải thiện và nâng cao thu hẹp khoảng cách so với mặt bằng chung của toàn tỉnh.
* Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần
Tam Đảo là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 42% dân số toàn huyện. Trên địa bàn huyện có 7/9 xã, thị trấn nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xác định nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, huyện Tam Đảo đẩy nhanh việc hỗ trợ người dân vay vốn, phát triển kinh tế. Đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tam Đảo đã giải ngân trên 642 tỷ đồng, cho gần 9.600 khách hàng vay, trong đó có gần 3.200 khách hàng là người dân tộc thiểu số.
Từ hộ gia đình khó khăn, năm 2021 nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Trần Thị Thanh Thảo ở thôn Phân Lân Thượng xã Đạo Trù đã đầu tư nuôi bò nái sinh sản, nuôi lợn. Chị Trần Thị Thanh Thảo cho biết: "Sau 3 năm, gia đình tôi hiện đang nuôi 2 nái bò, 5 nái lợn và 30 con lợn bột. Nguồn thu từ chăn nuôi giúp gia đình tôi đã có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, đầu tư cho con cái học hành."
Huyện Tam Đảo phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, người nghèo, người thuộc gia đình chính sách. Năm 2023, huyện hỗ trợ đào tạo nghề cho 866 người, trong đó có 356 người. Bên cạnh đó, huyện Tam Đảo tổ chức nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài, tặng quà, trao học bổng, nhận đỡ đầu học sinh, sinh viên vượt khó, học giỏi và xã hội hóa hỗ trợ vật chất cho các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tính đến cuối năm 2023, huyện Tam Đảo chỉ còn 193 hộ nghèo, trong đó có 120 hộ dân tộc thiểu số, đời sống người dân vùng dân tộc miền núi không ngừng được cải thiện nâng cao.
Thôn Đồng Pheo, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo có 100% là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Được sự quan tâm của tỉnh, thôn được lựa chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, với khu thiết chế văn hóa thể thao khang trang hiện đại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Bà Trần Thị Gái, Trưởng thôn Đồng Pheo, xã Yên Dương phấn khởi chia sẻ: Từ khi có nhà văn hóa mới to đẹp, các sinh hoạt cộng đồng về văn hóa, thể thao có điều kiện được tổ chức thường xuyên hơn, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con nhân dân. Từ đó nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, góp phần xây dựng diện mạo thực sự đáng sống ở ngôi làng này.
* Triển khai hiệu quả các chính sách
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh. Vĩnh Phúc có 11 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc và thiểu số và miền núi thuộc 5 huyện, thành phố gồm: Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch, Bình Xuyên và Phúc Yên. Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công. Đồng thời, quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc trên tất cả các mặt, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ công cộng, hỗ trợ sản xuất thông qua chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương.
Chỉ tính riêng năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 159 trường hợp với tổng dư nợ 15 tỷ đồng; bố trí 2,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; bố trí 1,6 tỷ đồng cho công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 54 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%; 100% địa phương có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới...
Để tiếp tục chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu của chương trình theo ngành, lĩnh vực phụ trách trên cơ sở nắm bắt khó khăn, đề xuất của Ban Dân tộc. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện chương trình, đảm bảo kịp thời, đúng quy định, thường xuyên đôn đốc, đánh giá tiến độ thực hiện chương trình ở các cấp theo định kỳ hằng tháng.
Tỉnh Vĩnh Phúc ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực từ địa phương nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với khu vực đồng bằng trong tỉnh./.
Nguyễn Thảo