A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vĩnh Phúc: Đặt người dân ở vị trí trung tâm của sự phát triển

Với phương châm đặt người dân ở vị trí trung tâm của sự phát triển tỉnh Vĩnh Phúc đang đầu tư nguồn lực cho công tác an sinh xã hội, tạo động lực để phát triển.

Cùng với thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định việc đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được đẩy mạnh. Với phương châm “Đặt người dân ở vị trí trung tâm của sự phát triển” tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động cân đối nguồn lực để triển khai chính sách phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm mọi người dân đều phải được hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Vĩnh Phúc: Đặt người dân ở vị trí trung tâm của sự phát triển

Đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được nâng cao

Đưa chính sách vào cuộc sống

Song song với việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế, nâng cao chất lượng an sinh xã hội cũng là nhiệm vụ xuyên suốt được Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng triển khai, đặc biệt là công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Giai đoạn 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các chính sách giải quyết việc làm cho người dân. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch phát triển thị trường lao động, đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm, an toàn, vệ sinh lao động. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm được triển khai linh hoạt. Trong 9 tháng, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động, bằng 88,2% so với kế hoạch và bằng 90,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Vĩnh Phúc: Đặt người dân ở vị trí trung tâm của sự phát triển

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được triển khai giúp người dân tộc thiểu số thoát nghèo

Lĩnh vực giảm nghèo được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện thông qua các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn, hỗ trợ học nghề, xuất khẩu lao động. Tỉnh đã chỉ đạo cấp trên 29.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo; hỗ trợ gần 10 tỷ đồng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn gặp khó về nhà ở. Đầu năm 2023, toàn tỉnh có 3.405 hộ nghèo đa chiều, chiếm 0,99% tổng số hộ dân toàn tỉnh; có 5.881 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,71% tổng số hộ dân. Song với những chính sách thiết thực của tỉnh, ước tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 0,7%.

Các lĩnh vực bảo trợ xã hội cũng được thực hiện tốt trong thời gian qua, 44.000 người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, trong đó có 435 đối tượng được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Địa phương cũng chú trọng chăm sóc, quản lý các đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; hỗ trợ 100% đối tượng nhân dịp lễ, Tết.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 9 tháng đầu năm là 17.723 người, chiếm 3,08% lực lượng lao động; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 221.154 người, chiếm 38,43%; số người tham gia bảo hiểm y tế là 1.134 nghìn người, đạt tỷ lệ bao phủ 94,75% so với dân số dự kiến năm 2023. Công tác chi trả chế độ bảo hiểm được thực hiện kịp thời, an toàn, linh hoạt, theo đó đã chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho 123.880 lượt người, giảm 36,9% so với cùng kỳ năm 2022, giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng cho 538 người, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần cho 10.414 lượt người, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 10.870 người, giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 102.058 lượt người.

Cùng với đó, công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm nâng cao chất lượng. Các kỹ thuật mới ngày càng được chú trọng, công tác dược - vật tư y tế, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe và các hoạt động sự nghiệp y tế có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao thể lực, thể trạng của người dân. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đào tạo nâng cao y đức ngày càng được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành.

Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện, 136/136 cơ sở đạt tỷ lệ 100% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc. Các hoạt động y tế dự phòng và các chương trình mục tiêu được triển khai có hiệu quả tại trạm y tế, 100% trạm y tế thực hiện quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; 95,9% người dân được khám và quản lý sức khỏe cá nhân.

Bên cạnh đó, các chính sách đối với đồng bào dân tộc cũng được chú trọng thực hiện. Các nội dung đề án, hoạt động hỗ trợ bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được các cấp, các ngành triển khai hiệu quả, qua đó đã cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc và nhân dân vùng miền núi của tỉnh…

Đầu tư nguồn lực cho an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển bền vững

Xác định đầu tư nguồn lực cho an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển bền vững, công tác này ngày càng được tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng, đi vào chiều sâu. Cụ thể, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo năm 2023. Các cơ quan chức năng triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác lao động, công tác xã hội; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án về việc làm, hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tuyển dụng và quản lý lao động và lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, mở rộng liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Trung ương với các cơ sở ở địa phương và gắn với doanh nghiệp.

Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đẩy mạnh công tác đôn đốc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chống các biểu hiện lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội; phối hợp với ngành y tế kiểm soát chặt chẽ đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm y tế của người dân và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế tiết kiệm, hiệu quả.

Vĩnh Phúc: Đặt người dân ở vị trí trung tâm của sự phát triển

Đến năm 2025 Vĩnh Phúc kỳ vọng hình thành được đổi ngũ chuyên gia giỏi trong hầu hết các lĩnh vực

Địa phương tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh phong trào khuyến khích, khuyến tài nhằm đạt mục tiêu xây dựng xã hội học tập. Cùng với đó chú trọng xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát tốc độ tăng dân số hợp lý, giảm mạnh chênh lệch giới tính khi sinh và từng bước nâng cao chất lượng dân số; chỉ đạo thực hiện quản lý sức khỏe đến từng hộ gia đình. Ngành y tế sẽ tăng cường đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh; cải tiến quy trình khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, không để xảy ra tình trạng quá tải. Đặc biệt, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế…

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm