A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiết kế sinh thái thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thiết kế sinh thái bao bì nhựa nhằm giảm thiểu tác động môi trường của bao bì nhựa và hàng hóa đóng gói trong toàn bộ vòng đời. Theo đó, bên cạnh các tiêu chí về tác động môi trường, sản phẩm và bao bì sản phẩm phải được thiết kế đáp ứng các tiêu chí liên quan đến tài nguyên, năng lượng, môi trường và sản phẩm. Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo về thiết kế sinh thái bao bì nhựa trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Hội thảo do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam tổ chức ngày 21/2.

Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Trung Thắng, thiết kế sinh thái là cách tiếp cận chủ động trong quá trình phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ theo hướng giảm thiểu tác động môi trường trong suốt vòng đời (từ giai đoạn lựa chọn nguyên vật liệu đến thải bỏ), tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tác động tới môi trường thấp nhất có thể. Thiết kế sản phẩm phù hợp có thể giúp giảm 80% tác động môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm.

Các nhà khoa học Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về thiết kế sinh thái. Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc đã sớm đề cập đến vai trò quan trọng của thiết kế sinh thái (hoặc tên gọi thiết kế quan tâm đến môi trường). Các quốc gia đều chia sẻ nhận thức chung về tư duy vòng đời sản phẩm của thiết kế sinh thái, nhưng xác định các trọng tâm khác nhau khi triển khai phù hợp với thực tiễn. Để thực hiện tốt thiết kế sinh thái, bài học kinh nghiệm cho thấy, Nhà nước đóng vai trò đi đầu xây dựng khung pháp lý đầy đủ với các quy định vừa mang tính ràng buộc, vừa định hướng, hỗ trợ, khuyến khích thay đổi hành vi của các bên liên quan, chủ chốt là doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu, Tiến sỹ Đinh Quang Hưng (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường) cho biết, kinh doanh thực phẩm và đồ uống ở Việt Nam là một trong những ngành kinh tế đóng góp đáng kể GDP. Doanh thu của ngành kinh tế này năm 2023 đạt khoảng 590 tỷ đồng. Nhu cầu tiêu dùng đối với ngành này cũng ngày càng tăng. Việc thiết kế sinh thái bao bì của ngành thực phẩm, đồ uống sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng tài nguyên bền vững, xây dựng hình ảnh thương hiệu xanh, bền vững. Tiến sỹ Đinh Quang Hưng cũng cho hay, qua khảo sát các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất thực phẩm, đồ uống, các doanh nghiệp mong muốn nhận được hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ Nhà nước trong việc chuyển đổi sang thiết kế sinh thái; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của bao bì sinh thái, từ đó thúc đẩy nhu cầu sử dụng; đầu tư nghiên cứu, phát triển để tìm ra các giải pháp thiết kế bao bì thân thiện với môi trường nhưng vẫn đảm bảo tính khả thi về kinh tế.

Thảo luận về bộ tiêu chí thiết kế đối với bao bì nhựa trong ngành thực phẩm và đồ uống, các đại biểu cho rằng cần có 7 nhóm tiêu chí. Đó là tối ưu hóa vật liệu; dễ dàng tái chế; thiết kế đa chức năng hoặc tái sử dụng; tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm tác động lên môi trường; tăng cường thông tin và nhận diện sinh thái; đảm bảo an toàn thực phẩm; phù hợp với thói quen tiêu dùng Việt Nam.

Về lộ trình áp dụng thiết kế sinh thái, các đại biểu đề xuất triển khai theo giai đoạn để bảo đảm phù hợp với khả năng thích ứng của doanh nghiệp. Trong đó, giai đoạn đầu tập trung vào định hướng doanh nghiệp thực hiện theo các nguyên tắc của thiết kế sinh thái, giai đoạn sau có thể ban hành các quy định với chỉ tiêu cụ thể đối với sản phẩm.

Để thúc đẩy thiết kế sinh thái, theo các đại biểu, trước hết cần tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và các bên liên quan. Đối với cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, cần làm rõ những lợi ích lâu dài cả về môi trường và kinh tế trong thiết kế sinh thái; thúc đẩy tư duy về toàn bộ vòng đời sản phẩm để doanh nghiệp nhìn nhận toàn diện hơn về tác động môi trường của sản phẩm. Từ đó, nhận diện nhiều cơ hội để lựa chọn các giải pháp can thiệp.

Đối với người tiêu dùng, cần thúc đẩy truyền thông nhấn mạnh vai trò của người tiêu dùng hướng tới các sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường; khuyến khích hành vi sử dụng sản phẩm có vòng đời dài hơn, tận dụng, tái chế các sản phẩm cũ, thải bỏ sản phẩm một cách có trách nhiệm… Cùng với đó, hướng dẫn người tiêu dùng tìm hiểu thông tin sản phẩm để đưa ra lựa chọn phù hợp với mục tiêu đặt ra./.

Hoàng Vân


Tác giả: Nguyễn Hoàng Vân
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm