Tạo tiền đề, nền tảng để phát triển TP HCM nhanh, mạnh, bền vững
Sáng 10/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP HCM và đoàn công tác đã làm việc với TP HCM về kết quả phát triển kinh tế - xã hội Thành phố và thực hiện Nghị quyết số 98.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TPHCM về kết quả phát triển kinh tế - xã hội Thành phố và thực hiện Nghị quyết số 98 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Bộ Tài chính báo cáo về Đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, các nhiệm vụ cần làm đối với TP HCM. Bộ Giao thông vận tải báo cáo về tình hình mở rộng cao tốc TP HCM- Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây theo quy mô hoàn chỉnh; tình hình xây dựng Quy hoạch chung TP Thủ Đức và các giải pháp phát triển đô thị TP HCM.
Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định thí điểm 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và TP Thủ Đức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ luôn đặc biệt quan tâm tới phát triển TPHCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về kết quả cụ thể triển khai Nghị quyết 98, các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp cho biết đến nay, Chính phủ đã ban hành 3/4 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 quyết định. Các bộ, cơ quan tiếp tục tích cực triển khai 4 nhiệm vụ thường xuyên đã được phân công.
Về nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của TP HCM, HĐND thành phố đã ban hành 31 nghị quyết triển khai. UBND thành phố đã hoàn thành 13/25 nhiệm vụ, ban hành 24 quyết định triển khai các nội dung liên quan Nghị quyết số 98.
Về lĩnh vực quản lý đầu tư, năm 2023-2024, đã ưu tiên bố trí 3.794 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo cho 52.000 khách hàng; bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội; bố trí 2.900 tỷ đồng cho dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài; ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, ngành văn hóa và thể thao với 23 dự án (tổng mức đầu tư 22.394 tỷ đồng).
Về lĩnh vực tài chính, ngân sách nhà nước, đã bổ sung đối tượng được hưởng chính sách tăng thu nhập, tạo động lực đối với đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong điều kiện TP HCM có mật độ dân số cao, hoạt động kinh tế, xã hội đa dạng, phức tạp.
Về lĩnh vực quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chính sách về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ đã phát huy hiệu quả; bước đầu thu hút được các hồ sơ đăng ký thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Tổ chức bộ máy tiếp tục được kiện toàn, hoàn thiện với việc thành lập Sở An toàn thực phẩm thành phố; bố trí thêm 1 Phó Chủ tịch HĐND và 1 Phó Chủ tịch UBND và hoàn thiện bộ máy TP Thủ Đức, 1 Phó Chủ tịch UBND cho 3 huyện (Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn) và 51/52 Phó Chủ tịch UBND đối với 51/52 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên.
Thủ tướng cho rằng TPHCM là đầu tàu của cả nước về kinh tế, tài chính, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, GRDP của thành phố 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,46%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (3,55%). Trong 7 tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, tăng 3,29%, thấp hơn so với cùng kỳ và bình quân chung cả nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 661.000 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 108.000 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ, đạt 67,5% kế hoạch.
Việc thu hút FDI đạt 1,545 tỷ USD; dư nợ tín dụng tăng 11,8%; thu ngân sách nhà nước đạt trên 308.000 tỷ đồng, đạt 63,94% dự toán, tăng 13,96% so với cùng kỳ. Thành phố đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm như: Dự án đường Vành đai 3; Dự án giao thông An Phú, Thủ Đức...; chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng. Chính trị - xã hội ổn định; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Các đại biểu đã phát biểu ý kiến chỉ rõ những kết quả đạt được, các hạn chế, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 98, phát triển kinh tế - xã hội TP HCM; xác định nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất phương hướng, cách làm phù hợp cho thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nỗ lực hơn nữa trong khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển kết cấu hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu về sự phát triển của TP HCM. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng rất quan tâm và đã có kế hoạch làm việc với thành phố trong thời gian tới.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị và các báo cáo, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, sát thực tiễn tại Hội nghị, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) và UBND TP HCM tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện và trình ban hành thông báo Kết luận của Hội nghị để triển khai thực hiện thời gian tới, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phân tích thêm về vị trí, vai trò, tiềm năng lợi thế phát triển của TP HCM, Thủ tướng cho rằng thành phố là đầu tàu của cả nước về kinh tế, tài chính, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chiếm khoảng 17% GDP của cả nước (theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nếu GRDP của TP HCM tăng trưởng 1% thì GDP cả nước tăng thêm 0,18%), thu ngân sách nhà nước chiếm trên 27% cả nước.
TP HCM cũng là địa phương tiên phong triển khai các mô hình mới cho phát triển như phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp; sở giao dịch chứng khoán, hệ thống ngân hàng, quỹ đầu tư phát triển; công viên phần mềm, khu công nghệ cao… Những mô hình sáng tạo này góp phần quan trọng giúp thành phố có sự đột phá rất mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về triển khai Nghị quyết 98, Thủ tướng đánh giá nhìn lại 1 năm qua, việc triển khai Nghị quyết đã mang lại những kết quả bước đầu rất cơ bản, tích cực, tạo tiền đề, nền tảng để phát triển TP HCM nhanh, mạnh, bền vững.
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, ghi nhận, sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP HCM đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của cả nước trong 7 tháng năm 2024.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Trong triển khai Nghị quyết 98, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và TP HCM có lúc còn thiếu chủ động, chặt chẽ, thiếu linh hoạt.
Cùng với đó, TP HCM phải nỗ lực hơn nữa trong khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển kết cấu hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm nhu cầu của nhân dân về bệnh viện, trường học, nhà ở, hệ thống phúc lợi xã hội.
Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn TP HCM đóng góp tích cực hơn nữa cùng các cơ quan Trung ương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, trong đó có việc sửa đổi Luật Đầu tư công.
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục phát huy tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; không để tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Đồng thời, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tăng cường đoàn kết, thống nhất; ổn định chính trị xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế và thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Thủ tướng yêu cầu TPHCM phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, phát huy các cơ chế, chính sách đặc thù hiệu quả hơn với tinh thần 6 "tiên phong" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
"Chỉ bàn làm, không bàn lùi"
Về công tác thời gian tới trong triển khai Nghị quyết 98, Thủ tướng nhấn mạnh, "suy nghĩ đã chín, tư tưởng đã thông, cơ chế đã có, cờ đã đến tay", phải có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", làm việc có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, làm việc nào dứt điểm việc đó để lấy động lực, cảm hứng làm việc tiếp theo, phát huy hơn nữa tư tưởng tấn công, khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung.
Với yêu cầu đặt ra là đạt kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, TP HCM tiếp tục quán triệt Nghị quyết 98 và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần chủ động, tích cực, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất cấp có thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với nhau trong tổ chức thực hiện, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, tăng cường kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. Cách giải quyết, tháo gỡ vướng mắc phải mạnh mẽ hơn, sắc sảo hơn, bài bản hơn.
Về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các nhiệm vụ đã đề ra để tiếp tục thực hiện, nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của Thành phố trong sự phát triển chung của cả nước, vùng Đông Nam Bộ; nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế, yếu kém, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao.
Thành phố tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát việc triển khai của từng cấp; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, liêm chính, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.
Về các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu TP HCM phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, phát huy các cơ chế, chính sách đặc thù hiệu quả hơn với tinh thần 6 "tiên phong".
"6 tiên phong" này gồm: Tiên phong trong đổi mới tư duy phát triển đồng bộ, tổng thể, bao trùm, hiệu quả, bền vững, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; tiên phong trong chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tiên phong trong phát triển các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao; tiên phong trong phát triển nhân lực chất lượng cao, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực trọng tâm; tiên phong trong thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, không bỏ ai lại phía sau.
Ảnh minh hoạ |
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng trước hết yêu cầu tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP HCM và Nghị quyết 98 của Quốc hội, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024, phấn đấu tăng trưởng kinh tế Thành phố cả năm đạt 7,5-8%.
Đồng thời, thành phố thành lập Tổ chuyên trách nhằm tháo gỡ ngay những vấn đề, vướng mắc phát sinh. Phát huy mạnh mẽ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; triển khai đồng bộ các giải pháp kích thích kinh tế, kích cầu đầu tư, tiêu dùng; kiểm soát giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Cùng với đó, TP HCM nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung cho các dự án lớn, trọng điểm; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền trong xử lý công việc; nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng đô thị thông minh, Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thủ tướng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; tập trung hình thành các trung tâm giáo dục, đào tạo hàng đầu trong nước, khu vực và quốc tế.
TP HCm tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, TP HCM phải phát huy vai trò quan trọng là "hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng", là "thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo", là "trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước", tin tưởng TP HCM sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024 và các nhiệm vụ đã đề ra.
Cũng tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo với các đề xuất, kiến nghị của thành phố liên quan dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (sẽ ban hành ngay trong những ngày tới), Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, Đề án thí điểm phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam và sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị; Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM…