A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường vai trò kinh tế nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới.

Đây là nội dung hội thảo: "Vai trò của kinh tế nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng" diễn ra tại Hà Nội ngày 13/4/2023. Hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đồng tổ chức.

Tại Hội thảo các ý kiến tập trung làm rõ hai nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất tập trung vào nhận thức lý luận về vai trò của kinh tế Nhà nước nói chung và đối với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Nhóm vấn đề thứ hai làm rõ thực trạng vai trò của kinh tế Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt trên cơ sở hoạt động thực tiễn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, đánh giá những mặt được, hạn chế cùng các nguyên nhân, trên cơ sở yêu cầu của bối cảnh mới, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để kinh tế nhà nước thực hiện tốt vai trò này, bảo đảm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

Tăng cường vai trò kinh tế nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải trong báo cáo đề dẫn đã nêu rõ 5 lý do kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp điều kiện của nước ta và là tiêu chí quan trọng bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ nhất, vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước thể hiện rõ bản chất, đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn khác với kinh tế thị trường ở các nước tư bản chủ nghĩa, được xây dựng trên cơ sở sở hữu tư bản độc quyền. Vai trò kinh tế Nhà nước xuất phát từ lợi ích của đất nước và nhân dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, kinh tế Nhà nước có vai trò đầu tàu, hướng dẫn và dẫn dắt các hình thức sở hữu khác trong việc phát triển các lĩnh vực đặc biệt.

Thứ ba, kinh tế Nhà nước có vai trò chủ đạo sẽ bảo đảm phát triển năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Thứ tư, đối với an ninh quốc gia, kinh tế Nhà nước thể hiện vai trò ở việc nắm giữ các ngành quan trọng liên quan an ninh quốc phòng và tham gia chiếm giữ một số vị trí thiết yếu, quan trọng để chủ động định hướng xã hội, làm đối trọng trong phát triển hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ năm, về mặt xã hội, kinh tế Nhà nước có vai trò quan trọng trong gánh vác chức năng và vai trò xã hội. Kinh tế nhà nước phải đảm nhận những ngành ở những địa bàn khó khăn có ý nghĩa chính trị-xã hội, bảo đảm sự cân bằng về đầu tư phát triển theo vùng miền, thực hiện chính sách an sinh xã hội, các chương trình xóa đói giảm nghèo...

Ý kiến các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo cho thấy, với vai trò của mình, kinh tế nhà nước đã góp phần không nhỏ vào thành tựu chung trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế sâu rộng, góp phần giữ vững độc lập, tự chủ trong xác định chủ trương, đường lối phát triển đất nước.

Kinh tế nhà nước cũng giúp cho nền kinh tế phát triển ổn định, năng lực cạnh tranh cao. Cùng đó giúp giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế. Kinh tế nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ kinh tế quốc tế và tránh lệ thuộc vào một thị trường một đối tác.

Phân tích sâu thêm các đặc điểm cần có của một nền kinh tế tự chủ, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng đó phải là một nền kinh tế chủ động trong việc hoạch định đường lối, có đủ năng lực thực thi các mục tiêu.

Ông Vũ Văn Phúc đề nghị cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Trong khi đó TS Trần Thọ Đạt lưu ý, việc phát huy vai trò của kinh tế nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập cần hết sức quan tâm đến khung cảnh mới đó là quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong khi bản thân kinh tế nhà nước được đánh giá là khu vực kinh tế có tốc độ chuyển đổi số còn chậm.

Nhà nước cũng cần tiếp tục có cơ chế đầu tư, khuyến khích khu vực kinh tế nhà nước đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới, chuyển đổi số, ứng dụng những thành tựu của công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới…”, chuyên gia Trần Thọ Đạt nói.

TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề cần có sự tách bạch hoạt động kinh doanh với hoạt động công ích. Trong nền kinh tế thị trường, sự tách bạch giữa hoạt động công ích của Nhà nước và hoạt động kinh doanh cần phải rõ ràng bởi nếu có sự tách bạch thì mọi hoạt động của doanh nghiệp sẽ minh bạch, đánh giá kết quả và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mới chính xác.

"Phải có sự tách bạch. Giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp Nhà nước phải có sự đa dạng về cơ chế để doanh nghiệp Nhà nước có thể hoàn thành tốt nhất vai trò của mình cả về nhiệm vụ chính trị, cả về nhiệm vụ kinh tế", ông Phan Đức Hiếu nói.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm