A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phê chuẩn gia nhập CPTPP của Anh, doanh nghiệp Việt có cơ hội và thách thức gì?

Chính phủ cho biết đã đạt mục tiêu yêu cầu Anh cam kết mở cửa thị trường ở mức cao theo tiêu chuẩn của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Article thumbnail
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Ảnh: P.Thắng

Sáng 8/6, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trình Quốc hội tờ trình về việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Anh cam kết mở cửa thị trường ở mức cao với hàng Việt

Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, ngày 1/2/2021, Vương quốc Anh chính thức gửi đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP, sau đó tiến hành đàm phán một chiều với cam kết mở cửa thị trường mới.

Việt Nam và Anh đã có quan hệ FTA song phương. Phó Chủ tịch nước cho rằng, Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần củng cố vai trò, thúc đẩy song phương hai nước.

Việc này cũng giúp mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam, bởi đây là một trong số thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới.

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm khi đàm phán, Việt Nam đã đạt mục tiêu yêu cầu họ cam kết mở cửa thị trường ở mức cao theo tiêu chuẩn của CPTPP.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: P.Thắng

Theo đó, Anh mở cửa thị trường với Việt Nam trong các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, nhập cảnh tạm thời của doanh nhân, dịch vụ tài chính, mua sắm Chính phủ và doanh nghiệp Nhà nước.

Hai nước cũng ký cam kết song phương về các lĩnh vực lao động - công đoàn, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ (nội dung bảo hộ dữ liệu thử nghiệm bí mật hoặc dữ liệu bí mật khác với nông hóa phẩm, các biện pháp liên quan tới lưu hành một số dược phẩm) và dịch vụ tài chính.

Đặc biệt, Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Việc này, theo Phó Chủ tịch nước, có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm cơ sở để nước ta tiếp tục vận động các nước khác, trong đó có Mỹ, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệp định CPTP để chuyển đổi xanh

Với các thách thức, Phó Chủ tịch nước cho hay, Anh là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới đối với tiêu chuẩn hàng hóa lưu hành nội địa. Cho nên, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn lưu hành nội địa, nhưng đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh tại kỳ họp thứ 7.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM). Ảnh: P.Thắng

Thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, sửa các văn bản liên quan để hướng dẫn thực thi cam kết của Việt Nam, gồm lĩnh vực mua sắm Chính phủ, dịch vụ - đầu tư và nhập cảnh tạm thời của doanh nhân.

Nêu ý kiến sau đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) bày tỏ đồng ý việc phê chuẩn để Anh tham gia CPTPP.

Với thị trường Anh, đại biểu cho hay đây là thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa và tiêu chí xanh. Vì vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng pháp luật, thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

“Thực tế việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp còn thiếu hụt nên nếu có thêm các thông tin sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường. Cần có gói chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệp định này để chuyển đổi xanh, thân thiện môi trường”, ông Ngân góp ý.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cũng đề nghị sau khi Quốc hội phê chuẩn cần đẩy mạnh thông tin về lợi thế của hiệp định CPTPP với hiệp định thương mại giữa Việt Nam - Anh để doanh nghiệp có thêm lựa chọn các hiệp định để gia tăng hơn nữa các lợi ích.

Theo chương trình nghị sự kỳ họp 7, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Anh và Bắc Ireland vào ngày 25/6.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm