A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển xuất nhập khẩu bền vững, hài hòa về cơ cấu hàng hóa, thị trường và cán cân thương mại

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam đến năm 2030 coi trọng việc xuất nhập khẩu hàng hoá bền vững, hài hòa về cơ cấu hàng hóa và cán cân thương mại.

Nhiều điểm sáng trong khó khăn

Thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 587,68 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 6,4%; nhập khẩu giảm 11,7%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,44 tỷ USD.

Phát triển xuất nhập khẩu bền vững, hài hòa về cơ cấu hàng hóa, thị trường và cán cân thương mại
Trong khó khăn, xuất nhập khẩu có nhiều điểm sáng

Hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn suốt từ đầu năm đến nay do những ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên, điểm tích cực là các mặt hàng có giá trị vẫn giữ được thị phần riêng.

Đơn cử, đối với mặt hàng dệt may, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, 10 tháng năm 2023, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt trên 33 tỷ USD, cả năm nay đạt khoảng hơn 40 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022. Đây là con số khả quan nếu so sánh với mức suy giảm hai con số ở những tháng trước.

Phát triển xuất nhập khẩu bền vững, hài hòa về cơ cấu hàng hóa, thị trường và cán cân thương mại
Các sản phẩm dệt may có nguồn nguyên liệu xanh được ưa chuộng

Đáng chú ý, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi rõ rệt. Một số mặt hàng xuất khẩu như: Đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans tăng nhanh… Đặc biệt, các mặt hàng có nguyên liệu hữu cơ, thân thiện với môi trường như vải được dệt từ sợi tre, sợi sen... được các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản... đặc biệt ưa chuộng.

Hoặc với mặt hàng gạo, theo Bộ Công Thương, trong kết quả xuất khẩu gạo 11 tháng qua, cơ cấu chủng loại gạo và chất lượng gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao để gia tăng giá trị cho hạt gạo.

Cụ thể, chủng loại gạo trắng thường đạt khoảng 55,5% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 3,56 triệu tấn); tiếp đến chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 24% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 1,5 triệu tấn); chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 545 nghìn tấn); gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 487 nghìn tấn).

Đặc biệt, ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, gạo Cơm Vietnam Rice đã xuất hiện ở hệ thống siêu thị châu Âu với giá bán lẻ 4.000 Euro/tấn. Đây là giá đắt nhất thị trường và đến nay, Lộc Trời vẫn duy trì được mức giá này. Đây cũng là loại gạo chất lượng cao nhất của Lộc Trời được bán cho thị trường châu Âu với nguồn cung thường xuyên không đáp ứng đủ nhu cầu.

Đề cập đến xuất khẩu bền vững, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu bền vững là vấn đề đã được đưa ra từ lâu và là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế. Xuất khẩu liên quan đến khâu tiêu thụ hàng hóa, do đó, việc tạo được nguồn hàng ổn định và đầu ra kịp thời là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bộ Công Thương đã, đang phối hợp với các Bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững mà thị trường nước sở tại yêu cầu.

Kiên định mục tiêu xuất nhập khẩu bền vững

Với mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau:

Một là, xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030. Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026 - 2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.

Hai là, xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hoà. Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng. Đồng thời, đẩy mạnh các thông tin từ các thương vụ về các quy định mới của thị trường nước sở tại liên quan đến xuất nhập khẩu bền vững để kịp thời thông tin đến doanh nghiệp.

Đơn cử, tại thị trường châu Âu, bà Nguyễn Hoàng Thuý - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu chia sẻ, Thỏa thuận Xanh châu Âu là một kế hoạch toàn diện, một chính sách mới mà phía châu Âu đặt ra để đạt được sự trung lập về khí hậu.

Một số chính sách/chiến lược có thể nhìn thấy ngay việc ảnh hưởng đến xuất khẩu sang EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork), Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn, hay là Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030.

"Tháng 12/2022, EU thông báo thực hiện CBAM. EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu được nhập khẩu vào thị trường này, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại. Theo đó, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ gây ô nhiễm cao như xi măng, thép, phân bón, nhôm, điện và hydro, là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của châu Âu. Cơ chế sẽ được giới thiệu dần dần cho đến cuối năm 2025 và sau đó sẽ được áp dụng đầy đủ vào năm 2026” – bà Thuý thông tin.

Hoặc với thị trường Canada, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada chia sẻ, từ năm 2015, Canada đã đưa mục tiêu sản xuất và tiêu dùng trách nhiệm vào lộ trình phát triẻn bền vững nhằm sản xuất sử dụng ít tài nguyên hơn, nâng cao chất lượng sống của người dân. Ngoài chính sách khuyến khích xe điện và các phương tiện không phát thải, Canada khuyến khích tái sản xuất, tái tân trang, tái chế và tái sử dụng. Từ chính phủ đến người dân đều phải có trách nhiệm giảm cacbon trong các quy định tiêu dùng.

Các doanh nghiệp Canada cũng có xu hướng thay thế các sản phẩm cùng loại nhập từ xa bằng cách tìm các nguồn cung từ các thị trường gần. Đồng thời, chú trọng tìm kiếm các đối tác nhập khẩu có cùng mối quan tâm, cùng năng lực với mình. Ví dụ da giày, dệt may, nội thất đều phải quan tâm sản xuất xanh, sản xuất sạch, sử dụng vật liệu tái chế…

Quy định của Canada đi đầu trong các nước G7, OECD trong việc áp đặt trách nhiệm mở rộng không chỉ với các bên tham gia thiết kế, sở hữu thương hiệu mà còn áp đặt nhà bán buôn và phân phối. Nếu không tìm được nhà bán buôn và phân phối thì sẽ áp đặt đến nhà bán lẻ cuối cùng. Trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng buộc các nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm với việc thu hồi, quản lý sản phẩm nhựa ở cuối vòng đời sản phẩm như: Trả tiền đặt cọc bao bì, thu đổi sản phẩm, lắp đặt điểm thu nhận bao bì…

"Các quy định này có thể nói là rào cản phi thuế quan rất bất lợi cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên là yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn duy trì xuất khẩu vào thị trường này" - bà Quỳnh cho hay.

Đánh giá cao việc thông tin của Bộ Công Thương và các bộ ngành đến với doanh nghiệp, ông Trịnh Đức Kiên – Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, những thông tin từ Bộ Công Thương đã giúp doanh nghiệp nắm rõ những yêu cầu từ thị trường, chuẩn bị cho giai đoạn thị trường sôi động hơn trong thời gian tới.

Theo đó, Công ty TNHH Kẻ Gỗ đang chuẩn bị để đến thời điểm giữa quý 2/2024, thị trường xuất khẩu đồ gỗ sẽ bùng nổ trở lại. Công ty đang mở rộng gấp đôi nhà xưởng tại Bắc Kạn để tăng quy mô sản xuất. Đây là thời điểm tốt để đánh giá năng lực của mình, phải tự động hóa nhiều công đoạn. Công ty sẽ đầu tư máy móc để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng thời gian giao hàng, giảm chi phí sản xuất.

"Ngoài ra, chúng tôi xác định tự nâng cấp bản thân vì không thể sản xuất như trước. Chúng tôi sẽ phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn mới mà trước đây chưa quan tâm lắm. Nếu muốn bán hàng vào thị trường khó tính như EU hay Anh thì doanh nghiệp phải có những tiêu chuẩn cao hơn như Tiêu chuẩn BSCI về trách nhiệm xã hội với người lao động, những tiêu chuẩn về phát triển xanh và bền vững..." - ông Trịnh Đức Kiên chia sẻ.

Cùng với những mục tiêu đưa ra tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, có thể thấy, sự thay đổi nhu cầu hàng hoá trên thị trường thế giới đã khiến doanh nghiệp buộc phải tính toán một hướng đi khác để phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hoá theo hướng bền vững. Do đó, trong thời gian tới, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng xây dựng Chương trình hành động để tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược đảm bảo thiết thực, hiệu quả, để hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của đất nước.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm