Phát triển khu công nghiệp sinh thái vẫn còn nhiều khó khăn
Những kết quả bước đầu đạt được trong chuyển đổi mô hình khu công nghiệp; quy hoạch phát triển mới các khu công nghiệp sinh thái rất đáng khích lệ nhưng cũng đang đối mặt không ít khó khăn.
Tính đến tháng 10/2023, tại Việt Nam đã có 413 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó có 295 KCN đã đi vào hoạt động. Thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, thời gian qua một số KCN đã phát triển theo hướng bền vững và thí điểm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái, KCN thông minh. Gắn hoạt động sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên thông qua hoạt động cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn.
Những kết quả bước đầu đạt được trong việc chuyển đổi mô hình KCN và quy hoạch phát triển mới các KCN sinh thái rất đáng khích lệ, tuy nhiên, quá trình này cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Nổi lên là nguồn vốn rất hạn chế, chính sách tài chính xanh chưa thực sự đi vào cuộc sống. Còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các DN hình thành liên kết cộng sinh công nghiệp. Nhận thức về phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chưa đầy đủ, một số địa phương chưa quyết liệt vào cuộc. Thủ tục thành lập mới các KCN nói chung và KCN sinh thái nói riêng còn phức tạp và mất nhiều thời gian…
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN các ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) cho rằng, Việt Nam đang từng bước xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có tính đến việc chuẩn hóa các KCN, cụm công nghiệp xanh, sinh thái, thông minh. Định hướng quan trọng khi phát triển các KCN là tạo ra các hệ sinh thái cũng như mối liên kết cộng sinh giữa các DN trong KCN, từ đó tạo nên chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp.
“Vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN rất tốn kém nhưng thường phải mất từ 5 - 10 năm DN mới có thể thu hồi và có lãi. Nhưng đó vẫn chưa phải là khó khăn lớn, vướng mắc của các DN đầu tư hạ tầng, bất động sản công nghiệp lại chính là vấn đề giải quyết giấy phép, thủ tục, bởi quá trình này vô cùng vất vả, nhất là khâu GPMB. Bởi GMPB làm KCN sẽ không đơn giản như các công trình dân sinh hay dự án quốc phòng, hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự nguyện của người dân và đường nhiên không được sử dụng biện pháp cưỡng chế”, ông Vân cho biết.
Từ thực tế làm chủ đầu tư của Dự án Cụm công nghiệp Hoàng Lâu có quy mô 50ha ở Vĩnh Phúc, ông Phạm Hải Đăng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn TPG cho biết, Hoàng Lâu không chỉ là một cụm công nghiệp chuyên biệt cho công nghiệp phụ trợ, mà còn được xây dựng như 1 đô thị sinh thái. Sự chú trọng đặc biệt vào cảnh quan cây xanh, không gian mở và các tiện ích dịch vụ, đặt ra một tiêu chuẩn mới về môi trường làm việc, chất lượng cuộc sống cho người lao động và cộng đồng xung quanh.
Ông Đăng cho biết thêm, trong quá trình thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, DN chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư các thủ tục cần thiết, từ giấy phép đầu tư cho đến các thủ tục ưu đãi thuế… Tuy nhiên danh mục các lĩnh vực đầu tư được ưu đãi thuế hiện chưa được rõ ràng, nên DN rất khó hỗ trợ các nhà đầu tư khi họ muốn tham gia vào cụm công nghiệp.
Nhiều DN đầu tư KCN cũng có ý kiến cho rằng, các cơ chế ưu đãi về đất đai, tiền thuê đất hay các chính sách thuế, hỗ trợ cho phát triển công nghiệp phụ trợ cần có cơ chế hướng dẫn chi tiết và rõ ràng hơn, nhất là việc cập nhật danh mục liên quan đến dây chuyền công nghệ mới, hoặc chưa nằm trong danh mục khuyến khích đầu tư.
Cùng khẳng định những khó khăn hàng đầu của DN khi đầu tư vào KCN chính là thủ tục hành chính và pháp lý, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, hiện nay, thủ tục hành chính vẫn còn chồng chéo và chưa rõ ràng. Nghị định 35 đã là một cấp tiến nhưng đâu đó có một số tiêu chí chưa rõ ràng, nên rất cần hướng dẫn một cách chi tiết.
“Khi chuyển đổi từ KCN hiện hữu sang KCN đô thị dịch vụ, các DN sẽ quan tâm khi đó cơ chế ưu đãi sẽ ra sao. Kế đến liên quan đến định giá đất và tiền thuê đất vì trong 2-3 năm vừa qua, nhiều DN muốn nộp tiền nhưng chưa nộp được. Với một dự án KCN lớn hàng trăm ha, DN phải phân kỳ đầu tư, nhưng khi hết giai đoạn 1, họ mong muốn được chuyển tiếp và đơn giản hóa thủ tục cho giai đoạn tiếp theo mà không phải xin cấp phép từ đầu”, TS. Cần Văn Lực đưa ra hàng loạt vướng mắc.
Để tạo thuận lợi hơn trong quá trình chuyển đổi các KCN truyền thống cũng như quy hoạch xây dựng mới các KCN sinh thái, cơ quan quản lý và các DN cần đánh giá đầy đủ hơn về vai trò, yêu cầu cấp thiết của phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên thế giới. Từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của cộng đồng DN trong phát triển kinh tế xanh, KCN sinh thái, góp phần thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.