Phát triển bền vững ngành hàng cá tra
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỉ USD - vượt qua kỷ lục năm 2018 là 2,26 tỉ USD. Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành hàng này trong thời gian tới, cần phải có nhiều giải pháp thiết thực
Cá tra đã được xác định là sản phẩm quốc gia, được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây chính là loài cá được nuôi nhiều nhất ở ĐBSCL hiện nay.
Vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội
Theo Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), diện tích nuôi cá tra hiện nay khoảng 5.700 ha, chỉ chiếm 0,44% diện tích nuôi trồng thủy sản trên cả nước. Trong đó, TP Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp là những vùng nuôi cá tra lớn nhất ở ĐBSCL, chiếm hơn 75% tổng sản lượng cá tra cả nước.
Tính đến hết tháng 11-2022, sản lượng thu hoạch cá tra đã hơn 1,526 triệu tấn - tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021; giá trị xuất khẩu đạt 2,19 tỉ USD - tăng 66,9% so với cùng kỳ. Hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra là Trung Quốc, chiếm 30% và Mỹ, chiếm 23%. Nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam ở hầu hết các thị trường tăng từ 40% - 200%. Giá cá tra phi lê xuất khẩu tăng khoảng 28% - 66%; giá cá tra nguyên liệu cũng tăng 27.000 - 29.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng năm 2022, ngành hàng cá tra đã vượt qua những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhanh chóng tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát để tổ chức sản xuất và xuất khẩu. Nhờ đó, sản lượng cá tra năm nay dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 2,4 tỉ USD - mức cao nhất trong lịch sử ngành hàng này.
Các sản phẩm từ cá tra Việt Nam đã có mặt ở 134 thị trường, trong đó chủ lực là Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil, Colombia… Thị trường xuất khẩu đa dạng là cơ hội để cá tra ĐBSCL vươn xa và khẳng định thương hiệu.
"Bước sang năm 2023, ngành hàng cá tra có trong tay rất nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt rất nhiều thách thức. Theo dự báo, thị trường thế giới sẽ diễn biến phức tạp do những bất ổn về kinh tế, chính trị ở một số nước nên nhu cầu cá tra có thể chững lại và không cao như các tháng đầu năm 2022" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.
Các sản phẩm từ cá tra Việt Nam đã có mặt ở 134 thị trường |
Nâng cao chất lượng con giống
Đồng Tháp là địa phương sản xuất cá tra lớn nhất ĐBSCL, chiếm trên 33% diện tích và 34,8% sản lượng toàn vùng. Đồng Tháp chiếm gần 40% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước; cung cấp khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng ĐBSCL.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết đến tháng 11-2022, diện tích lũy kế nuôi cá tra của tỉnh ước đạt 2.450 ha - tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng thu hoạch 505.000 tấn, xuất khẩu khoảng 270.077 tấn, kim ngạch ước đạt 847 triệu USD - tăng 31% về giá trị so với cùng kỳ. Cá tra là mặt hàng đứng đầu trong nhóm nông sản xuất khẩu của tỉnh này.
"Đồng Tháp đã lựa chọn cá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng Tháp đã có kế hoạch phát triển cá tra theo hướng bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu" - ông Tuấn thông tin.
Để phát triển ngành hàng cá tra bền vững, không thể bỏ qua việc nâng cao chất lượng con giống. Vì thế, Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang đã được triển khai. Đến nay, đề án này đã sản xuất, cung ứng cho ĐBSCL khoảng 12 tỉ cá tra bột và 1,2 tỉ cá tra giống chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc.
Thực tế cho thấy giá cá tra giống vài năm gần đây có nhiều biến động. Riêng năm 2022, có thời điểm giá cá tra giống duy trì ở mức cao kỷ lục, khoảng 45.000 - 55.000 đồng/kg loại 30-35 con/kg. Dù giá cá tra giống tăng nhưng người nuôi cũng bán được cá nguyên liệu với giá cao, bảo đảm có lãi và giúp duy trì bền vững chuỗi giá trị ngành hàng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhìn nhận để Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 nói chung và ngành cá tra nói riêng đạt được mục tiêu, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, cần đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ; dự báo tình hình cung - cầu và đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tuần hoàn.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cần tập trung nâng cao chất lượng con giống, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để tăng cường hiệu quả, chất lượng và an toàn cho các sản phẩm cá tra, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cần khai thông nguồn vốn Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định năm 2022, cá tra là ngành xuất khẩu khởi sắc nhất trong các ngành thủy sản nhờ giá xuất khẩu trung bình tăng nhiều nhất và cơ hội thị trường cũng nhiều hơn. Trong đó, cá tra phi lê đông lạnh có xu hướng được các thị trường nhập khẩu mạnh hơn so với cá nguyên con tươi/ đông lạnh. Năm 2022, dòng sản phẩm chủ lực này chiếm tới 86,5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Tuy tăng trưởng khả quan nhưng tình hình lạm phát tăng, nguồn vốn khó khăn trong những tháng cuối năm đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nói riêng. Ông Lê Thanh Thuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sao Mai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - cho rằng cần phải khai thông nguồn vốn vì khi có vốn thì doanh nghiệp mới xoay xở được và có tiền trả lãi ngân hàng. Nông dân vốn trông chờ vào doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp cạn kiệt vốn thì muốn mua tạm trữ cá tra cũng không được. Ca Linh |