A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang Võ Văn Bình cho biết, Tiền Giang đang hướng tới mục tiêu vào năm 2030, toàn tỉnh có từ 10.000 đến 12.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó tối thiểu có 1,5% doanh nghiệp mang tầm quốc gia. Đồng thời, đội ngũ doanh nhân phát triển theo hướng có tiềm lực kinh tế, có năng lực và trình độ, chất lượng hoạt động tốt, đáp ứng mục tiêu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các mục tiêu được đặt ra nhằm cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đội ngũ doanh nhân Tiền Giang gắn với tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Trên cơ sở đó, tỉnh quan tâm xây dựng và tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang Võ Văn Bình, trong thời gian tới, tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước thông qua đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông chính sách; tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp và doanh nhân lành mạnh, đúng định hướng; khuyến khích đội ngũ doanh nhân xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh và thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Tỉnh chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan doanh nghiệp, nhà đầu tư; giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; định kỳ tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như các kiến nghị của doanh nghiệp.

Để giúp đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, ngang tầm mục tiêu nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới, Tiền Giang phát hiện, nhân rộng những mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu cũng như khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Địa phương định hướng tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là các lĩnh vực mới và trong thế hệ trẻ…

Cùng với hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Tiền Giang yêu cầu đội ngũ doanh nhân nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với xã hội, nhất là trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng, giữ gìn uy tín, thương hiệu doanh nghiệp; biểu dương và nhân rộng những điển hình doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, tích cực tham gia đóng góp cho công tác từ thiện, xã hội, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn nhưng cũng kiên quyết ngăn chặn, xử lý doanh nghiệp, doanh nhân vi phạm đạo đức, văn hóa kinh doanh, vi phạm pháp luật.

Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Các cấp ủy đảng nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng đối với xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp qua những việc làm cụ thể, thiết thực và mang lại hiệu quả.

Đặc biệt, các đơn vị tạo điều kiện kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện vào Đảng, thành lập đảng bộ cơ sở tại các khu, cụm công nghiệp; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc chi hội, hiệp hội doanh nghiệp ở các nơi có đủ điều kiện cũng như xây dựng cơ chế phối hợp giữa cấp ủy với tập thể lãnh đạo, chủ doanh nghiệp nhằm phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên.

Với những giải pháp quyết liệt, phù hợp, đưa Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị vào đời sống, số lượng doanh nghiệp mới thành lập trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng và có nhiều đóng góp cho nền kinh tế địa phương.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có thêm 279 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 31,3% chỉ tiêu cả năm; nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại – dịch vụ lên 6.102 doanh nghiệp. Đây là nhân tố tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển vững chắc, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và giải quyết an sinh xã hội./.

Minh Trí


Tác giả: Nguyễn Minh Trí
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm