Nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025 của ngành Thanh tra, bên cạnh những kết quả nổi bật của ngành, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được các cấp, ngành thực hiện quyết liệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025 của ngành Thanh tra. Ảnh: QH
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 6 tháng đầu năm 2025, Thanh tra Chính phủ đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là tiếp tục triển khai “Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030; công tác kiểm soát tài sản, thu nhập được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật; trong đó, ban hành kế hoạch thanh tra chuyên đề về phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng cơ sở nhà đất tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước, xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên đề các dự án có khó khăn, vướng mắc; quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: MĐ
Chia sẻ tại hội nghị về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua trên địa bàn, ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, để triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2025 theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và các kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác PCTN năm 2025; UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2025, trong đó yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền các văn bản của Đảng, Nhà nước về PCTN, tiêu cực; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác đấu tranh, phát hiện, xử lý tham nhũng...
Bên cạnh đó, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh triển khai thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Tổ kiểm tra tiến hành kiểm tra công tác triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với 5 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Đào Quang Khải cho biết, trên cơ sở chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (của UBND 2 tỉnh) đã ban hành, tiến hành rà soát các công việc đã thực hiện, hoàn thành; các công việc còn phải triển khai thực hiện trong thời gian tới để kịp thời tham mưu UBND, Chủ tịch UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện trong các tháng cuối năm và thời gian tới.

Ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh trình bày tham luận trực tuyến. Ảnh: QH
Ông Đào Quang Khải cho biết, UBND tỉnh Bắc Ninh đã và đang chỉ đạo tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về người có nghĩa vụ phải kê khai và cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập sau khi sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp để có văn bản kiến nghị với Trung ương (Thanh tra Chính phủ) sớm ban hành văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện.
Trong tham luận gửi về Hội nghị, ông Phan Quốc Vinh, Chánh Thanh tra tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thanh tra tỉnh Tây Ninh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.
Ông Phan Quốc Vinh dẫn chứng, theo quy định tại khoản 3, Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng bất cập với quy định tại điểm b khoản 1, điểm e, khoản 2 Điều 39 Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Cụ thể, quy định liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập, Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ đưa ra duy nhất một trường hợp vi phạm là “không trung thực”, trong khi Quy định số 69-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định hai trường hợp vi phạm là “thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập” và “không trung thực” với hai mức độ xử lý khác nhau. Mặt khác, khái niệm “không trung thực” trong Luật Phòng, chống tham nhũng không được quy định cụ thể và qua kiến nghị vẫn chưa được xem xét, hướng dẫn cụ thể nên còn rất nhiều cách hiểu.

Các đại biểu tham dự hội nghị sáng 11/7/2025 tại trụ sở Thanh tra Chính phủ. Ảnh: MĐ
Ngoài ra, tồn tại nhiều chế độ báo cáo giữa chính quyền và Đảng cùng nội dung nhưng khác thời kỳ, thời gian, tiêu chí; tình hình một văn bản của Bộ Chính trị nhưng có nhiều cơ quan Trung ương cùng triển khai dẫn đến địa phương khó theo dõi, triển khai đồng bộ; cơ chế phòng, chống tiêu cực chưa được thể chế hóa thành pháp luật; cơ chế phòng, chống lãng phí gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa phân định phạm vi giữa ngành Thanh tra với ngành Tài chính... là những khó khăn rất cần sự quan tâm, xử lý, tháo gỡ từ Trung ương...
Trước những khó khăn, bất cập trên, tỉnh Tây Ninh đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương để thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch năm 2025 của Ban Chỉ đạo và của Thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030; tiếp tục triển khai kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập và kế hoạch đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh năm 2024 và 3 bộ, ngành. Ban hành Bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn công tác đánh giá phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại các bộ, ngành thuộc Trung ương. Đồng thời tiếp tục thực hiện dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2025, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được các cấp, ngành thực hiện quyết liệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Thanh tra Chính phủ tập trung tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai chương trình công tác năm 2025 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 1.473 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 9 đơn vị vi phạm.
Về thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp: Các bộ, ngành tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 1.549 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 6 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Về chuyển đổi vị trí công tác: Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 4.253 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.
194.686 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ; có 2.029 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 8 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập là 1.295 cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng: Trong kỳ báo cáo có 15 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 8 người.