A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghiên cứu ban hành thuế carbon trong phát triển kinh tế giảm phát thải

Ngày 30/8, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn đề xuất thuế carbon nhằm giảm nhẹ tác động ảnh hưởng do cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU đặt ra đối với hàng hóa của Việt Nam.

Thuế carbon là một trong những công cụ định giá carbon phổ biến trên thế giới, cùng với cơ chế tín chỉ và hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (thị trường carbon nội địa). Theo Cục Biến đổi khí hậu, giá carbon theo cơ chế tín chỉ và hệ thống trao đổi hạn ngạch được xác định theo cơ chế thị trường cung – cầu, trong khi đó thuế carbon do Chính phủ áp đặt để hạn chế phát thải khí nhà kính mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng thuế carbon tại Việt Nam sẽ giúp giữ lại một phần nguồn thu phải trả trong dài hạn, giảm tác động của CBAM lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới. 

CBAM do Liên minh châu Âu (EU) đặt ra, dự kiến thí điểm từ tháng 10/2023. Về bản chất, CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Nếu nhà nhập khẩu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ.

Quang cảnh hội thảo tham vấn

Theo bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, cam kết này được thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu, được xác lập kể từ sau Hội nghị COP26. Tại Việt Nam, Chính phủ đã xác định áp dụng các công cụ định giá carbon hỗ trợ cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời thiết lập và vận hành thị trường carbon nội địa, nghiên cứu đề xuất quy định và lộ trình áp dụng thuế carbon tại Việt Nam.

Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đã đề xuất 2 phương án để ban hành thuế carbon dựa trên các cơ chế chính sách hiện hành. Đó là sửa đổi dự thảo Nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; đưa thuế carbon vào nội dung sửa đổi của thuế bảo vệ môi trường (EPT).

Chia sẻ về kết quả rà soát, phân tích chính sách các loại thuế, phí hiện hành về bảo vệ môi trường ở Việt Nam, ông Nguyễn Anh Minh, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, thuế bảo vệ môi trường cùng với phí bảo vệ môi trường có đặc điểm tương thích với thuế carbon. Theo đó, tích hợp thuế carbon vào thuế bảo vệ môi trường hay phí bảo vệ môi trường đều cung cấp nền tảng tốt để thiết lập một hệ thống thuế carbon toàn diện. Một số loại hàng hóa có thể thuộc phạm vi thuế carbon bao gồm: xăng, dầu và dầu nhờn; than đá; dung dịch HCFC; túi nilon... Thuế carbon sẽ đánh vào phát thải trực tiếp hoặc hàm lượng carbon của nhiên liệu hóa thạch; thời điểm tính thuế áp dụng trong quá trình sản xuất, nhập khẩu hoặc tiêu dùng.

Tuy nhiên, đại diện đơn vị tư vấn cũng lưu ý, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lượng khi xem xét đến khả năng chồng chéo của thuế bảo vệ môi trường và thuế carbon. Liên quan đến giải pháp cho vấn đề này, các chuyên gia tại hội thảo khuyến nghị, cần đảm bảo tiếp cận liên ngành và điều phối giữa các cơ quan liên quan, tham vấn về các phương án chủ chốt và phạm vi của thuế carbon trong bối cảnh chính sách giảm phát thải quốc gia; tăng cường hợp tác toàn diện giữa các cơ quan quản lý. Thực hiện nghiên cứu về việc tái sử dụng nguồn thu từ thuế carbon để xác định các phương án nhằm đảm bảo khuyến khích giảm phát thải và ngăn chặn tác động lũy thoái. Xây dựng mối liên kết với cải cách tiến bộ cho các gói hỗ trợ tài chính ngành năng lượng, đặc biệt là trong ngành điện; thí điểm xây dựng kinh nghiệm thực tế về thu thuế carbon và hệ thống báo cáo cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng như cơ quan nhà nước; xác định các thực hành tốt, những thách thức và rào cản đối với việc triển khai...

Tại hội thảo, các đại biểu tiếp tục trao đổi, thảo luận về những tác động của thuế carbon với các đối tượng liên quan, các yếu tố thành phần trong thiết kế thuế carbon, kinh nghiệm quốc tế và tính khả thi của phương án đề xuất...

Đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Cục và các đơn vị liên quan sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện Đề xuất thiết kế và lộ trình thuế carbon cho Việt Nam, hỗ trợ việc thực hiện Thỏa thuận Paris, tạo động lực để nền kinh tế đổi mới và chuyển dịch sang năng lượng sạch, giảm phát thải với chi phí thấp.

Thanh Bảo


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm