A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển toàn diện, bền vững

Nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái; có vị trí đặc biệt trong khu vực tam giác phát triển của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; nơi đây đã trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác giữa ba nước Đông Dương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Công ty cổ phần đường Kon Tum, tháng 4/2017. 

Với những điều kiện tự nhiên có được, Kon Tum là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế nông - lâm nghiệp, sản xuất hàng hóa với giá trị gia tăng lớn như: cà phê, cao su, mắc ca, mía đường, rau, hoa xứ lạnh; các loại cây dược liệu như: sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm và các loại được liệu quý hiếm khác; đặc biệt là trồng rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa độc đáo với nhiều điểm đến hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên đa dạng còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ như: Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Rừng đặc dụng Đắk Uy,… cùng với các địa danh, di tích được xếp hạng quốc gia như Ngục Kon Tum, Ngục Đắk Glei…

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị huyện Kon Plông đến năm 2030 đã tạo “cú hích” quan trọng; hướng tới trong tương lai không xa, khu du lịch sinh thái Măng Đen sẽ là điểm nhấn của con đường xanh Tây Nguyên, kết nối giữa các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên với vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi và khu kinh tế Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi, khu kinh tế mở Chu Lai của tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang triển khai các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp xanh - an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế tại huyện Kon Plông, bước đầu cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn, được thị trường tín nhiệm.

Kon Tum còn có tiềm năng thủy điện trên sông Sê San đứng thứ 3 trong hệ thống sông của Việt Nam (sau sông Đà và sông Đồng Nai) với tổng công suất 1.740 MW, tổng sản lượng điện trung bình 10.450 tỷ KWh/năm. Đồng thời, có hồ thủy điện  Ya Ly với diện tích khoảng 4.450 ha, hồ Plei Krông 11.080 ha và các hồ thủy điện khác như: Đắk Bla, Đắk Ne; các hồ thủy lợi có dung tích lớn như: Đắk Hniêng, Đắk Uy... Đây cũng là các hồ giữ nước trong mùa khô, vừa tưới tiêu phục vụ sản xuất, vừa triển khai nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt và phát triển các dịch vụ du lịch. Đặc biệt, các ao, hồ ở huyện Kon Plông với độ cao 1.100 mét rất thích hợp cho việc kinh doanh phát triển cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm… Ngoài ra, Kon Tum còn có suối nước nóng Ram Phia, Kon Nit… là những suối chứa nhiều khoáng chất có tác dụng chữa bệnh khá hiệu quả.

Kon Tum còn có sản phẩm đặc hữu là sâm Ngọc Linh được coi là một trong những loài sâm quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Những năm qua, tỉnh có nhiều nỗ lực trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển được trên 900 ha sâm Ngọc Linh. Cùng với sự vào cuộc của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc triển khai dự án đầu tư hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh sẽ góp phần sớm đưa các sản phẩm đặc hữu này ra thị trường và phát triển thành công thương hiệu quốc gia.

Xác định tiềm năng, lợi thế nêu trên, Tỉnh ủy Kon Tum lãnh đạo tập trung dồn sức đầu tư xây dựng ba vùng kinh tế động lực: Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) và thành phố Kon Tum. Với quyết tâm và đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện, diện mạo của ba vùng kinh tế đã hiện hữu, góp phần tích cực vào thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, đạt được nhiều kết quả khả quan; đến nay, đã thu hút 76 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 7.323 tỷ đồng. Đặc biệt, việc tổ chức khởi công dự án chăn nuôi bò sữa tập trung lớn nhất khu vực Tây Nguyên của Tập đoàn TH với diện tích 441 ha, tổng mức đầu tư 2.544 tỷ đồng tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy là minh chứng rõ nét trong nỗ lực thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính của tỉnh thời gian qua.

Thành phố Kon Tum phấn đấu trở thành thành phố sinh thái đáng sống
và đạt tiêu chuẩn đô thị loại II vào năm 2025. 

Cơ cấu kinh tế ở Kon Tum tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, nông nghiệp ngày càng phát triển theo chiều sâu, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến. Chính sách dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng “cánh đồng lớn”, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ được chú trọng triển khai. Đã hình thành nhiều vùng chuyên canh nguyên liệu về cà phê, cao su, sắn, dược liệu, rau, hoa xứ lạnh; các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2021 tăng 10,83%/năm. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã nông thôn mới ngày càng được hoàn thiện, nâng cao.

Với quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; cùng với sự đồng lòng, hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân, tin tưởng rằng, tỉnh Kon Tum tiếp tục tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực mạnh mẽ đưa tỉnh Kon Tum tăng trưởng toàn diện, phát triển bền vững./.

Nguyễn Văn Chiến

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm