A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khu Công nghiệp Biên Hòa 1 – Cuộc di dời lịch sử và quyết tâm kiến tạo đô thị bên dòng Đồng Nai

Sau hơn nửa thế kỷ hiện diện như một biểu tượng công nghiệp của miền Đông Nam Bộ, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 chính thức bước vào giai đoạn di dời toàn diện. Đây không chỉ là một cuộc chuyển dịch hạ tầng – mà là quyết sách chiến lược thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị của chính quyền Đồng Na

 

Đồng Nai bắt đầu cuộc di dời lịch sử Khu công nghiệp Biên Hoà 1 (máy móc tháo dỡ nhà xưởng trong KCN). Ảnh: PT

Điều đáng ghi nhận là phần lớn người dân và doanh nghiệp đã thể hiện sự đồng thuận, sẵn sàng cùng chính quyền Đồng Nai viết lại tương lai cho vùng đất bên dòng sông Đồng Nai, nơi sẽ hình thành một khu đô thị – thương mại – dịch vụ hiện đại, văn minh, gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Một quyết sách lịch sử – Hợp lòng dân, đúng thời điểm

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 – được thành lập từ năm 1963 – là khu công nghiệp đầu tiên của cả nước, gắn liền với hành trình phát triển công nghiệp hóa của miền Nam Việt Nam. Trải qua hơn 60 năm vận hành, nơi đây đã đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai. Tuy nhiên, theo thời gian, hệ thống hạ tầng đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nhà xưởng cũ nát, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường – đặc biệt là nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sông Đồng Nai, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân trong vùng.

Từ yêu cầu cấp thiết đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP, đồng thuận chủ trương di dời toàn bộ KCN Biên Hòa 1 để chuyển đổi công năng thành khu đô thị – thương mại – dịch vụ. Chính quyền tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng cụ thể hóa bằng kế hoạch chi tiết, thành lập Ban Quản lý dự án di dời, xây dựng lộ trình bồi thường, tái định cư, tiếp nhận doanh nghiệp và chuẩn bị nguồn lực hạ tầng thay thế. Đây là minh chứng rõ nét cho quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính quyền, từ tỉnh đến thành phố, từ sở ngành đến cấp cơ sở.

Khu Kỹ nghệ Biên Hoà (Khu công nghiệp Biên Hoà hiện nay) - dấu ấn hơn 60 năm. Ảnh: ST

Đặc biệt, theo báo cáo của UBND phường Trấn Biên – địa bàn trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi tiến trình di dời, đến nay phường đã vận động được 306/355 trường hợp hộ dân, doanh nghiệp tự nguyện tháo dỡ tài sản, bàn giao mặt bằng, đạt tỷ lệ hơn 86%. Nhiều hộ dân chia sẻ: “Chúng tôi biết khu công nghiệp này đã quá cũ, ảnh hưởng đến môi trường sống và không còn phù hợp nữa. Nhà nước có chính sách rõ ràng, minh bạch, nên chúng tôi đồng thuận dọn đi để dành không gian phát triển cho thế hệ sau.”

Một hộ khác tại tổ 8, KP2, phường Trấn Biên nói: “Dù tiếc ngôi nhà gắn bó hơn 30 năm, nhưng tôi tin quyết định này là đúng. Vấn đề là làm sao cho người dân an cư tốt hơn, chúng tôi sẽ ủng hộ.”

Không có tiếng loa cưỡng chế – chỉ có đối thoại và đồng thuận

Tính đến tháng 7/2025, toàn bộ dự án di dời KCN Biên Hòa 1 liên quan đến 153 doanh nghiệp và 1.258 hộ dân. Trong đó, nhiều hộ thuộc diện cưỡng chế đã tự nguyện bàn giao mặt bằng sau khi được chính quyền vận động, giải thích chính sách rõ ràng, minh bạch. Đơn cử như trường hợp 9 hộ dân tại khu vực trọng điểm, dù trước đó chưa đồng ý, nhưng sau quá trình tiếp xúc, thuyết phục, đã đồng thuận tự tháo dỡ, giao đất đúng tiến độ. Không có tiếng loa cưỡng chế, không có đoàn cưỡng chế áp lực, thay vào đó là những cuộc tiếp xúc dân, đối thoại công khai, bình tĩnh, nhân văn.

Chính quyền Đồng Nai cũng đã bố trí khu tái định cư tại phường Long Bình Tân và các khu vực lân cận, bảo đảm chỗ ở ổn định và quyền lợi chính đáng cho người dân. Việc tổ chức khảo sát, xác nhận, chi trả bồi thường được giám sát chặt chẽ, công khai và không để xảy ra tình trạng tiêu cực hay lợi dụng.

Theo thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, đến nay đơn vị đã dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 65/69 doanh nghiệp trong khu vực, tương ứng diện tích hơn 228 ha. Đáng chú ý, từ đầu tháng 8, toàn bộ khu công nghiệp sẽ ngừng cung cấp các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật gồm điện, nước, xử lý nước thải…

Đây là bước chuyển mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tiến độ di dời và đảm bảo mặt bằng sạch phục vụ xây dựng hạ tầng mới. Dự kiến đến cuối tháng 7, khu công nghiệp sẽ có khoảng 70 ha đất sạch – sẵn sàng để khởi công Dự án xây dựng khu Trung tâm Chính trị – Hành chính tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới.

Một góc Khu công nghiệp Biên Hoà 1 sẽ sớm được thay đổi hiện đại, xanh, thân thiện (ảnh MN)

Không chỉ là di dời – mà là kiến tạo một chương phát triển mới

Điều đáng nói, di dời không đơn thuần là giải phóng mặt bằng, mà là một phần trong chiến lược tái thiết đô thị. Theo quy hoạch chi tiết 1/500, toàn bộ diện tích KCN Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đổi thành khu đô thị – thương mại – dịch vụ ven sông, tích hợp hạ tầng hiện đại, thân thiện môi trường và đồng bộ với định hướng phát triển không gian của TP Biên Hòa và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Việc di dời KCN ra khỏi trung tâm thành phố cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán giao thông, ô nhiễm và quản trị đô thị lâu dài. Đây là mô hình phát triển được nhiều quốc gia áp dụng – Đồng Nai đã cho thấy mình đang đi đúng hướng.

Tuy nhiên, để thành công trọn vẹn, chính quyền cần tiếp tục duy trì nguyên tắc “không ai bị bỏ lại phía sau”, đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ và hộ dân khó khăn. Các chính sách hỗ trợ phải rõ ràng, linh hoạt, có giám sát thực chất, tránh để việc di dời trở thành áp lực sinh kế. Sự hài lòng của người dân hôm nay chính là nền tảng cho sự ổn định xã hội và bền vững của dự án mai sau.

Minh bạch – Trách nhiệm – Đồng hành: Ba trụ cột cho cuộc di dời kiểu mẫu

Có thể nói, chính quyền Đồng Nai đang thực hiện một cuộc di dời mẫu mực: Có tầm nhìn chiến lược, có cơ sở pháp lý vững chắc, có quy hoạch bài bản và đặc biệt có sự đồng thuận cao từ người dân. Tất cả là nhờ cam kết xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, làm đúng – làm đủ – làm vì người dân.

Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh tái cơ cấu không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, thì quyết định "khép lại một thời kỳ công nghiệp nặng" của Đồng Nai là một minh chứng đi đầu. Bởi có những biểu tượng chỉ nên tồn tại trong quá khứ – để tương lai được vươn cao.

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm