A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch canh nông: Thêm ‘lối mở’ mới cho nông sản Đắk Lắk

Sự hợp nhất giữa cao nguyên Đắk Lắk và duyên hải Phú Yên không chỉ tạo nên không gian du lịch độc đáo mà còn mở ra hướng tiêu thụ nông sản nhờ du lịch canh nông.

Khi cao nguyên và biển cả “bắt tay”

Sự kiện hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên đã làm thay đổi bản đồ hành chính, nhưng sâu xa hơn, đó là sự giao thoa của hai không gian sinh thái - văn hóa - sản xuất rất khác biệt: một bên là đất đỏ bazan bạt ngàn cà phê, hồ tiêu, ca cao… một bên là miền duyên hải với mía, dừa, thủy sản và những cánh đồng rau màu chạy dài đến tận chân sóng.

Từ sự khác biệt ấy, một cơ hội mới hiện ra: xây dựng các tuyến du lịch canh nông, nơi du khách không chỉ ngắm nhìn mà còn hòa mình vào nhịp sống sản xuất của nông dân, thưởng thức sản vật tại vườn, tại bãi biển, tại nương rẫy. Đây chính là mô hình đang thịnh hành ở nhiều nước phát triển và nay đã có thể được định hình rõ nét tại tỉnh Đắk Lắk sau hợp nhất.

Du lịch mùa cà phê là đặc sản tại Đắk Lắk (Ảnh: Nguyễn Huy)

Du lịch mùa cà phê là đặc sản tại Đắk Lắk (Ảnh: Nguyễn Huy)

Trong bối cảnh nông sản địa phương, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn gặp khó trong khâu tiêu thụ, thì du lịch canh nông không chỉ là một sản phẩm kinh tế tổng hợp, mà còn là một “bệ đỡ” tiêu dùng thiết thực, nơi mỗi du khách trở thành người tiêu dùng trực tiếp, người quảng bá tự nhiên nhất cho nông sản bản địa.

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, năm 2025, tỉnh xác định đẩy mạnh du lịch canh nông thành thế mạnh, đồng thời lồng ghép giá trị văn hóa, di sản, tập tục sinh hoạt và sản xuất của đồng bào dân tộc vào sản phẩm du lịch xanh, bền vững. Đây được đánh giá là lựa chọn phù hợp với điều kiện địa phương, được triển khai bài bản thông qua các văn bản quy hoạch, mô hình mẫu và chuyển đổi số trong phát triển du lịch canh nông, hướng đến cộng đồng, môi trường và bền vững. Đồng thời, lượng khách du lịch đến địa phương cũng sẽ giúp tiêu thụ nông sản hiệu quả, đặc biệt là sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

BB Farm - Trang trại dâu tây và rau thuỷ canh tại xã Phú Hòa 1 thu hút đông du khách

BB Farm - Trang trại dâu tây và rau thuỷ canh tại xã Phú Hòa 1 thu hút đông du khách

Du lịch canh nông ở Đắk Lắk có thể bắt đầu từ những mô hình đơn giản: tham quan vườn cà phê vào mùa hoa trắng muốt, trải nghiệm hái hồ tiêu với đồng bào Ê Đê ở Krông Buk, tham gia chế biến cacao thủ công tại các nông trại ở Cư M’gar, rồi xuôi về phía đông, du khách sẽ đến với những cánh đồng mía, những trại tôm, cá, hàu ven đầm Ô Loan….

Tại đây, du khách không chỉ được nhìn mà còn được làm: gùi cà phê, cạo mủ cao su, chế biến trầm hương, lội ruộng bắt cá, chèo thuyền thúng, thậm chí ngủ nhà sàn, ăn cơm lam, uống rượu cần với đồng bào…

Đây chính là điểm nhấn của du lịch canh nông: không cần đầu tư khổng lồ cho hạ tầng, mà khai thác chính “cuộc sống” của người dân làm tài nguyên du lịch. Những sản phẩm như mật ong rừng, muối kiến vàng, tiêu đỏ, cà phê vối, cá nướng rơm, rau hữu cơ, chè trồng ở độ cao của Krông Bông… có thể trở thành đặc sản được tiêu thụ ngay tại chỗ, thông qua trải nghiệm trực tiếp và mua sắm tại vườn.

Ông Nguyễn Đại Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC cho biết, trước đây, HTX có 12 xã viên, 70 thành viên liên kết, với tổng diện tích 200 ha gồm: sầu riêng, cà phê, mắc ca... nhưng mạnh ai nấy làm, quy mô nhỏ lẻ.

Do đó, Ban quản lý HTX đã tập trung tuyên truyền, làm gương để các thành viên thay đổi thói quen từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát qua phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc cây trồng. Đồng thời, HTX theo dõi các loại cây giống, quy trình chăm sóc mới của Trung tâm Giống cây trồng Eakmat Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) để vận động thành viên HTX áp dụng, làm theo. Nhờ vậy, hiện nay sản phẩm cà phê của HTX Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được nhiều chuỗi cửa hàng cà phê tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa… thu mua với giá cao hơn thị trường. Đồng thời, HTX cũng tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm bạn hàng qua kênh du lịch.

Lối ra cho nông sản miền núi, duyên hải

Một trong những vấn đề lớn nhất của nông sản vùng dân tộc thiểu số là đầu ra bấp bênh, giá cả bị thương lái ép, hoặc khó tiếp cận thị trường tiêu dùng hiện đại. Trong khi đó, nhiều hộ đồng bào đã mạnh dạn chuyển đổi sang nông nghiệp sạch, hữu cơ nhưng chưa có kênh phân phối bền vững.

Du lịch canh nông giúp giải bài toán ấy theo một cách khác, đó là đưa thị trường đến với người dân. Khi du khách tới trực tiếp nông trại, họ không chỉ mua sản phẩm mà còn hiểu được công sức, câu chuyện và văn hóa đằng sau mỗi loại nông sản. Đây là yếu tố “niềm tin” - điều mà thị trường hiện đại rất cần nhưng khó có được qua các kênh thương mại điện tử hoặc siêu thị thông thường.

Du lịch canh nông là giải pháp tiêu thụ nông sản hiệu quả

Du lịch canh nông là giải pháp tiêu thụ nông sản hiệu quả

Không chỉ vậy, mô hình này còn tạo ra công ăn việc làm tại chỗ, nhất là cho phụ nữ và thanh niên vùng sâu vùng xa. Họ có thể trở thành hướng dẫn viên, người làm homestay, đầu bếp, bán hàng… theo cách rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày của mình.

Theo các chuyên gia, dẫu có tiềm năng lớn, nhưng để du lịch canh nông thực sự cất cánh, tỉnh Đắk Lắk mới cần có một chiến lược phát triển dài hơi. Trước hết là quy hoạch không gian, xác định cụ thể vùng nào có thể làm du lịch canh nông, với đặc sản gì, mùa vụ nào. Tiếp theo là xây dựng các chuỗi sản phẩm, từ tour, trải nghiệm, điểm lưu trú, sản phẩm quà tặng cần có tính liên kết và câu chuyện văn hóa.

Đặc biệt, phải bảo đảm yếu tố bền vững, không biến những nương rẫy truyền thống thành “sân khấu biểu diễn”, không làm du lịch theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, mà phải tôn trọng nhịp sống của người dân, giữ gìn môi trường và bản sắc văn hóa.

Tỉnh cũng cần hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc, về kỹ năng đón khách, ngoại ngữ, vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng bán hàng, truyền thông số… đồng thời mời gọi doanh nghiệp đầu tư theo mô hình đối tác công, tư hoặc xã hội hóa theo hướng vừa và nhỏ.

Một mùa cà phê bung nở trắng trời, một bữa cơm lam bên bếp lửa, một buổi chèo thuyền hái rau sâm đất… tất cả đều có thể trở thành lý do để khách trở lại và mang theo những ký ức ngọt lành về một vùng đất hòa quyện giữa núi và biển, giữa rẫy và đồng, giữa truyền thống và đổi mới.

Du lịch canh nông không phải là giải pháp duy nhất để tiêu thụ toàn bộ nông sản địa phương, nhưng đó là một mắt xích cần thiết trong chuỗi liên kết giá trị mà tỉnh Đắk Lắk có thể chủ động thiết kế. Đó cũng là cách để du khách yêu mến mảnh đất này bằng chính trải nghiệm vị giác, xúc giác, thay vì du lịch đơn thuần.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm