Kết nối làng nghề truyền thống thúc đẩy phát triển du lịch tại Phú Yên
Du lịch nông thôn, du lịch làng nghề đang trở thành lựa chọn hấp dẫn cho du khách khi muốn tìm hiểu văn hóa, con người và cuộc sống ở vùng thôn quê. Nhận thấy có nhiều tiềm năng, tỉnh Phú Yên đã triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực du lịch làng nghề, du lịch nông thôn phát triển. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP thành các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
*Phát triển làng nghề gắn kết du lịch
Tỉnh Phú Yên có hơn 20 làng nghề được công nhận theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ Về phát triển ngành nghề nông thôn. Các địa phương chú trọng bảo tồn, phát triển làng nghề, từng bước khôi phục và xây dựng thương hiệu để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Trong đó, có các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Nước mắm Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu); bánh tráng Hòa Đa, dệt chiếu cói Phú Tân (huyện Tuy An); đan lát Vinh Ba (huyện Tây Hòa); dệt thổ cẩm Xí Thoại (huyện Đồng Xuân)…
Chị Nguyễn Thị Ri (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) cho biết đã tham gia dệt thổ cẩm từ hơn 10 năm nay. Với mong muốn bản sắc dân tộc không bị mai một trong xã hội hiện đại, chị cố gắng tìm tòi, học tập để dệt nên những sản phẩm đẹp mắt, mới mẻ từ chất liệu thổ cẩm. Sau khi làm ra các sản phẩm mới, khách du lịch rất thích thú; từ đó giúp cho nhiều chị em trong làng có thêm thu nhập.
Nắm bắt nhu cầu của khách du lịch về trải nghiệm đời sống vùng nông thôn, một số doanh nghiệp tại Phú Yên đã chủ động liên kết với người dân xây dựng nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn và làng nghề. Một số làng nghề truyền thống hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với phát triển du lịch cộng đồng bước đầu đã đem lại hiệu quả, thành công nhất định. Khu du lịch Stelia Beach Resort (thành phố Tuy Hòa) kết nối với Hợp tác xã Sản xuất - Dịch vụ - Du lịch chiếu cói An Cư (huyện Tuy An) cho ra mắt tour du lịch tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm dệt chiếu cói ở làng Phú Tân. Làng nghề này có diện tích trồng cói hơn 25 ha và gần 600 lao động trực tiếp tham gia dệt chiếu. Qua các chuyến tham quan, du khách ngày càng biết đến làng nghề truyền thống hơn 100 năm tuổi này với những trải nghiệm mới mẻ, thú vị.
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, chị Nguyễn Thị Lan Hương (du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh) có dịp cùng bạn bè và người thân tham gia tour trải nghiệm làng nghề chiếu cói Phú Tân. Chị Hương chia sẻ cảm nhận thích thú khi được ngắm cảnh đẹp bình yên ở vùng nông thôn; ngồi trên xuồng khám phá cánh đồng cói. Chị và người thân, bạn bè được cùng trải nghiệm việc thu hoạch cói, tự tay kết các bó cói thành bè để kéo về trên lạch nước... Mỗi thành viên trong đoàn tham quan còn dệt chiếu, đan các sản phẩm mỹ nghệ từ sợi cói để tạo ra sản phẩm kỷ niệm cho riêng mình...
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Huyện đã ban hành đề án bảo tồn và phát triển làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân gắn với phát triển du lịch. Theo đó, huyện bố trí 2,8 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ dân sản xuất phát triển và mở rộng vùng trồng nguyên liệu lên 50 ha. Địa phương tăng cường thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị đối với cây cói và sản phẩm từ cói cũng như xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu, trao đổi, mua bán các sản phẩm làng nghề chiếu cói gắn với điểm du lịch tại Danh thắng cấp quốc gia đầm Ô Loan.
*Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới
Sự phát triển của các làng nghề truyền thống góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương. Do vậy, tỉnh Phú Yên chú trọng thực hiện "Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhiều làng nghề truyền thống được kết nối để hình thành nên tour, tuyến phục vụ du lịch trải nghiệm có chất lượng cao. Tuy nhiên hiện nay, mô hình phát triển du lịch làng nghề gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn còn những khó khăn nhất định. Trong đó, các văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý cho mô hình du lịch này vẫn chưa hoàn thiện.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) cho rằng, để phát triển làng nghề gắn với du lịch, phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, người dân phải được bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ cơ bản, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng.
Gần đây ở Phú Yên, du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với sản phẩm OCOP mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách. UBND tỉnh Phú Yên đã triển khai Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2024 - 2025. Theo đó, 100% điểm du lịch nông thôn sẽ được hỗ trợ ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch và được giới thiệu, quảng bá qua các kênh truyền thông trên internet; 70% chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch...
Tại đề án thí điểm này, có 9 mô hình du lịch cộng đồng và 1 mô hình du lịch nông nghiệp được thực hiện, gồm: Du lịch cộng đồng tại thôn Long Thủy; Du lịch cộng đồng Xí Thoại; Điểm Du lịch văn hóa cộng đồng buôn Lê Diêm; Du lịch cộng đồng Vườn đỏ Sơn Xuân; Du lịch cộng đồng trong sản xuất muối thôn Tuyết Diêm; Du lịch sinh thái Đồng Sen kết hợp tham quan trải nghiệm làng nghề truyền thống đan đát; Du lịch cộng đồng Hòn Yến; Du lịch cộng đồng làng nghề Chiếu cói Phú Tân; Du lịch ngành nghề đan thúng chai và sản xuất Bún bắp; Du lịch trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Cao Hoàng Nguyên, Trưởng Phòng Quản lý du lịch tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh đang đầu tư để phát triển một số làng nghề truyền thống có thế mạnh gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Thời gian tới, sẽ có ít nhất 10 sản phẩm làng nghề tham gia chương trình OCOP và được gắn sao để phục vụ khách du lịch. Ngành du lịch tỉnh đang xây dựng thêm cơ chế ưu đãi, thu hút các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. Một số sản phẩm đang dần khẳng định vị thế trên thị trường và được nhiều du khách lựa chọn mua sắm. Qua đây, du lịch nông thôn, du lịch làng nghề được thúc đẩy phát triển, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương./.
Tường Quân