Hợp tác, liên kết để phát triển thế mạnh du lịch của từng địa phương vùng Đông Nam Bộ
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2023, vùng Đông Nam Bộ (TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh) đã đón và phục vụ hơn 65 triệu lượt khách, tăng hơn 18,5% so với năm 2022. Du lịch vùng Đông Nam Bộ đóng vai trò vô cùng quan trọng, chiếm hơn 54% tổng số khách du lịch của cả nước và chiếm gần 27% tổng doanh thu du lịch cả nước năm 2023…
Thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ được triển khai từ năm 2020, đến nay, sau gần 4 năm triển khai đã thu được nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2023, các địa phương trong vùng thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch theo từng năm; công tác quy hoạch, kế hoạch dài hạn, thông tin về các sản phẩm du lịch; thông tin về thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về du lịch của các địa phương trong liên kết.
Sở Du lịch TP HCM cũng đã chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để thực hiện khảo sát, hình thành tuyến du lịch đường thủy liên tuyến TP HCM - Bình Dương và TP HCM - Đồng Nai. Qua đó, xây dựng đa dạng hoá các sản phẩm du lịch đường thủy của TP HCM, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH Một thành viên đã chỉ đạo đơn vị thành viên Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist triển khai đẩy mạnh phát triển bán các sản phẩm du lịch theo các tuyến kết nối TP HCM đến các tỉnh vùng Đông Nam Bộ trong năm 2022 - 2023.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trong vùng cũng tăng cường tổ chức các hoạt động famtrip để khảo sát và kết nối điểm đến.
Trong năm, các tỉnh, thành phố vùng đã tập trung phát triển nhiều sản phẩm mới để đưa vào khai thác, kết nối trong các tour, tuyến du lịch như: Làng sơn mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương), trang trại ứng dụng công nghệ cao (Phú Giáo - Bình Dương), các sản phẩm du lịch trong Thành phố Du lịch sinh thái Sơn Tiên (Đồng Nai); bãi biển nhân tạo trong Khu Du lịch suối Mơ (Đồng Nai), Khách sạn 3 sao Bcon (Đồng Nai); Khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao Ixora Hồ Tràm (BR-VT); resort 5 sao Angsana & Dhawa Hồ Tràm (BR-VT)...
Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được các địa phương quan tâm, thực hiện bài bản với 8 sự kiện du lịch tiêu biểu như: Ngày hội du lịch TP HCM; hội chợ du lịch quốc tế TP HCM - ITE HCMC; tuần lễ du lịch BR-VT 2023; hội chợ du lịch trực tuyến tỉnh BR-VT trên nền tảng sàn thương mại điện tử; tuần lễ văn hóa - ẩm thực - du lịch Bình Dương năm 2023; tuần lễ văn hóa - ẩm thực - du lịch Đồng Nai 2023…
Tại hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam Bộ diễn ra vào cuối tháng 12/2023, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, vùng Đông Nam Bộ có lợi thế lớn trong việc thu hút số lượng đông đảo khách du lịch, tuy nhiên, doanh thu du lịch còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tỷ trọng khách du lịch của vùng. Trong thời gian tới, vùng Đông Nam Bộ cần tăng cường liên kết, đưa ra các giải pháp nhằm tăng doanh thu du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách. Đồng thời phải giữ vai trò động lực, điều phối đưa khách đến với các khu vực khác trong cả nước.
UBND tỉnh BR-VT cho rằng, để thực hiện hiệu quả thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025, cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể: Đầu tiên, cần tập trung khảo sát, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch; chương trình du lịch trở thành bản đồ du lịch chung cho vùng Đông Nam Bộ. Tiếp đó là tăng cường công tác trao đổi, thông tin về công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực du lịch; chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch dài hạn của vùng; trao đổi và thống nhất các nội dung kiến nghị Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch của vùng; các địa phương xây dựng chính sách giá kích cầu, khuyến mãi thật sự đủ mạnh để tạo sức hút đối với các công ty du lịch thực hiện giá tour trọn gói hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung phát triển và liên kết sản phẩm du lịch nổi bật để doanh nghiệp du lịch hình thành tour, tuyến du lịch liên kết. Tổ chức các đoàn famtrip khảo sát các điểm đến du lịch; quan tâm đầu tư nâng cấp thêm các cơ sở dịch vụ về du lịch như nhà hàng, khách sạn, trạm dừng nghỉ, khu mua sắm phục vụ khách đoàn.
Ngoài ra, cũng cần tăng cường thực hiện công tác truyền thông quảng bá, xúc tiến về du lịch vùng Đông Nam Bộ; tập trung tổ chức các sự kiện hội chợ, triển lãm có quy mô lớn về du lịch; xây dựng gian hàng chung của vùng Đông Nam Bộ tham gia các sự kiện du lịch trong nước và quốc tế; phối hợp xây dựng và thúc đẩy phát triển các chương trình (tour) du lịch cho toàn vùng…