Gói 4.500 tỷ hỗ trợ đào tạo lại lao động: Hết hạn, giải ngân chưa tới 500 tỷ
Gói hỗ trợ tiền để đào tạo duy trì việc làm cho người lao động (LĐ) bị ảnh hưởng dịch COVID-19 đã hết hạn nhận hồ sơ từ 30/6. Khi xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ lên tới 4.500 tỷ đồng, nhưng tới nay phê giải ngân chưa được 500 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng cho biết, tháng 6 là thời hạn cuối nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người LĐ (theo Quyết định 23/2021 của Thủ tướng), song tỉnh này chỉ nhận được hồ sơ đề nghị từ doanh nghiệp (DN) để đào tạo lại cho 35 LĐ, tổng số tiền duyệt chi 315 triệu đồng. Trong khi đó, tại nhiều địa phương khác không có DN nào gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ; Bạc Liêu, Cần Thơ, Bình Phước, Thái Nguyên, Lào Cai…là những ví dụ điển hình.
Gói hỗ trợ đào tạo lại lao động giải ngân thực tế thấp hơn rất nhiều so với khi đề xuất chính sách Ảnh: Phạm Thanh
Về phía DN, ông Trần Hữu Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình cho biết, với các chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch COVID-19, các DN trên địa bàn tiếp cận chưa được nhiều. Điều này một phần do thủ tục rườm rà, quy định chặt chẽ. Sau dịch, DN ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, chưa kể các gói hỗ trợ chưa được truyền thông đầy đủ tới DN.
Ngoài ra, tiêu chí để DN được hỗ trợ phải chứng minh người LĐ sau đào tạo phải tiếp tục làm việc tại DN, trong khi người LĐ làm hay chuyển đơn vị khác, DN không thể ép buộc. “Chính sách hỗ trợ DN đào tạo lại LĐ nâng cao tay nghề rất đúng và cần, nhưng thủ tục hành chính và các điều kiện không dễ, khiến DN không hào hứng”, ông Tuyến nói. Ngoài ra, theo ông Tuyến, nguồn hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với các điều kiện, thủ tục chi tương tự chi ngân sách nhà nước, nên nhiều DN ngại bị thanh kiểm tra, kiểm toán.
Ông Nguyễn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội chia sẻ, trường đi tìm DN có nhu cầu đào tạo lại LĐ rất khó, vì không thể tới từng DN dò hỏi. Trường tiếp cận DN chủ yếu trên mối quan hệ cá nhân để hỏi về nhu cầu đào tạo lại LĐ, do chưa có đơn vị nào làm đầu mối tập hợp nhu cầu của DN, từ đó các trường kết hợp để xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Ông Hiếu nhìn nhận, sau ảnh hưởng dịch, DN tập trung LĐ cho sản xuất để phục hồi, hoặc người LĐ đi làm cả ngày nên không có thời gian đi học. Ông Hiếu đề xuất các cấp ngành xem xét cho gia hạn thời gian thực hiện chính sách, khi hoạt động sản xuất ổn định DN và người LĐ sẽ có nhu cầu đi học nâng cao tay nghề, chuyển đổi việc làm.
Chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đào tạo lại LĐ để duy trì việc làm được ban hành theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng. Thời gian nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ ngày 1/7/2021 tới hết tháng 30/6/2022, giải ngân cho thời gian đào tạo tới hết tháng 12/2022. Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng, tối đa 6 tháng mỗi người.
Chưa chi hết số lẻ dự kiến
Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận, đã hết hạn nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, song số lượng DN đề nghị và tiền giải ngân hỗ trợ để đào tạo lại người LĐ không nhiều như kỳ vọng. Để triển khai chính sách, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, các địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đốc thúc, tổ chức các hội nghị triển khai, hướng dẫn thực hiện… Do giải ngân thấp, đã có một số ý kiến đề xuất, kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách tới hết năm 2023.
Tổng hợp từ báo cáo của các địa phương tới cuối tháng 6/2022 cho thấy, hết thời hạn nhận hồ sơ, trên cả nước chỉ có hơn 500 DN có nhu cầu hỗ trợ và đề nghị hướng dẫn thủ tục. Trong đó, chỉ 78 đơn vị gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo lại cho gần 35 nghìn LĐ. Sở LĐ-TB&XH của 17 tỉnh thành đã thẩm định, phê duyệt hỗ trợ cho 46 đơn vị với gần 11 nghìn LĐ.
Dù chưa có được số tiền đã phê duyệt hỗ trợ, nhưng theo quy định mỗi người LĐ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng, với 11 nghìn LĐ được phê duyệt, số tiền hỗ trợ tối đa chỉ 99 tỷ đồng. Trường hợp tất cả 35 nghìn LĐ có hồ sơ đề nghị được duyệt và hỗ trợ trong thời gian tối đa 6 tháng, tổng số tiền phải chi chỉ hết 315 tỷ đồng. Trong khi Bộ LĐ-TB&XH xây dựng và đề xuất chính sách này với số tiền dự kiến lên tới 4,5 nghìn tỷ đồng và số lao động được hỗ trợ đào tạo lại lên đến 1 triệu LĐ.
Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết, quá trình triển khai ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc, như: Nửa cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 dịch COVID-19 đã làm cho xã hội phải giãn cách, việc giải quyết thủ tục khó khăn; khi phục hồi, DN tập trung cho sản xuất, doanh thu tăng so với thời điểm trước đó nên không đạt điều kiện để được hỗ trợ; nhiều DN tạm dừng hoạt động và dừng đóng bảo hiểm cho người LĐ, nên không đạt điều kiện để hưởng...gói hỗ trợ này. Đặc biệt, DN sử dụng nhiều LĐ, DN có vốn nước ngoài chưa quan tâm tới đào tạo lại cho người LĐ.
Theo Lê Hữu Việt