Giải quyết lạm phát sao cho doanh nghiệp "dễ thở"
Thắt chặt chính sách tiền tệ để hạn chế lạm phát nhưng ngược lại sẽ ảnh hưởng đến chính sách phục hồi nền kinh tế, nhất là khi chi phí tăng cao đang đẩy doanh nghiệp vào thế khó.
Chi phí đầu vào tăng chóng mặt “thổi” giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và bào mòn thu nhập người dân. Đặc biệt giá xăng dầu tăng gây áp lực tăng lên giá hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng và tạo áp lực lên lạm phát, tác động xấu tới nền kinh tế.
Theo dõi sát dấu hiệu lạm phát
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà từng nhận định rằng, thực tế cho thấy, lạm phát đang trở thành mối lo ngại trên toàn cầu, NHTW các nước đã bắt đầu thu hẹp lại các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Theo thống kê của NHNN, từ đầu năm đến nay, thế giới đã chứng kiến 93 lượt tăng lãi suất của các NHTW, trong đó riêng từ tháng 9/2021 đến nay đã chứng kiến 50 lượt tăng lãi suất... Với diễn biến trên, NHNN sẽ theo dõi sát tình hình để đưa ra những chính sách ứng phó kịp thời.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – CEO & Founder AFA Capital nhận định, Việt Nam đang ở chu kỳ lệch pha so với thế giới nên quan điểm của tôi cho rằng chúng ta cần quan sát rất kỹ tình hình lạm phát với tăng trưởng GDP mới có được quyết sách tốt.
Thông thường chính sách tiền tệ cần thời gian khá dài mới có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và rất quan trọng. Do đó, trong năm nay cần quan sát rất kỹ tình hình lạm phát với tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, việc lãi suất giảm nhưng đi vào đâu mới quan trọng. Chính sách tín dụng hay luồng tiền có thật sự hỗ trợ sản xuất kinh doanh hay không hay nó chảy sang bất động sản, hay một số kênh rủi ro cho nền kinh tế không tạo ra tăng trưởng thực sự.
Chúng ta cần nắm rõ các vấn đề ngắn hạn và dài hạn, với góc độ của tôi hiện nay không có vấn đề về siết tín dụng mà chỉ là dư địa tín dụng chúng ta chỉ dành cho một số ngành chúng ta muốn định hướng chúng phát triển thôi, nếu bảo chúng ta giảm tín dụng thì đây là điều không đúng. “Quan điểm của tôi cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam ủng hộ cho việc tăng trưởng và phát triển, còn cụ thể một số ngành sẽ chịu kiểm soát như bất động sản”, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết.
“Nhìn chỉ số CPI trong tầm kiểm soát như hiện nay chúng ta chưa cần có hành động nào với chính sách tiền tệ, chúng ta cần thêm một yếu tố nữa là quan sát sự tăng trưởng của GDP. Quan điểm của tôi nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi tích cực”, ông nói thêm.
Ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) cho biết, có thể thấy làn sóng COVID-19 thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam, do đó thời điểm hiện tại là cơ hội cho dư địa của các chính sách tiền tệ tích cực trong thời gian tới.
Không nên thắt chặt tiền tệ
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, hiện nay có quan điểm lạm phát có khả năng tăng lên và phục hồi tung ra tương đối rộng thì chính sách tiền tệ nên thắt lại thì quan điểm đó là không chuẩn. “Chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi do đó, thắt chặt chính sách tiền tệ là không nên và khi đưa ra gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, chính phủ đã tính toán tất cả tác động đến lạm phát, như vậy không nên thắt chặt tiền tệ vào lúc này”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Lạm phát đang được cảnh báo trên truyền thông hiện nay là do chiến sự giữa Nga và Ukraina nên tình hình mới dẫn đến giá đầu vào nguyên liệu tăng rất cao, nhiều nước lạm phát đang tăng cao, trong khi Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu lạm phát, độ mở kinh tế rất rộng cho nên nhiều người cho rằng trong bối cảnh đó chính sách tiền tệ phải thắt chặt lại. Tuy nhiên ở Việt Nam thì quan điểm đó là không hợp lý do bối cảnh nước ta hoàn toàn khác.
Trong năm 2021, “nhập khẩu lạm phát” tuy đã tác động đến Việt Nam, nhưng mới chủ yếu là khâu sản xuất, làm cho chi phí sản xuất, xây dựng tăng, nhưng giá bán sản phẩm tăng thấp hơn, đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, chưa chuyển sang hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, bị chặn lại do gặp phải sức mua bị giảm, nên CPI không những không tăng cao hơn mục tiêu, mà còn thấp hơn năm trước. Năm nay, CPI diễn biến có thể khác, một mặt do yếu tố “chi phí đẩy” từ sản xuất chuyển sang, mặt khác do giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao.
Bên cạnh đó, về chính sách tài khóa Việt Nam trong thời gian qua đã ghi nhận những thành công đáng kể khi thu vượt chi, đặc biệt trong thời qua với bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã chi rất lớn cho phòng dịch.
HSBC: Rủi ro lạm phát vẫn gia tăng
Có thể thấy trong năm qua, Chính phủ đã nhanh chóng trình Quốc hội nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây được cho là những giải pháp khá kịp thời, dài hơi, kéo dài trong 2 năm 2022 và 2023 với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp được triển khai. Trong đó, các chính sách tài khóa chiếm tới 83% trong tổng số các nhiệm vụ của chương trình này. Các chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từ đó quay trở lại có đóng góp vào ngân sách.
Mục tiêu của chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp tốt nhất hiện nay, theo PGS.TS Ngô Trí Long, cần sớm đẩy nhanh thực hiện các chủ trương, chính sách.
“Quan trọng nhất hiện nay là chính sách miễn giảm thuế, tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện các chính sách đã có chính sách rất đúng, không sai nhưng thực hiện chậm, lỡ nhịp sẽ dẫn đến vô nghĩa Một trong những vấn đề quan trọng đó là tất cả các chủ trương đã đưa ra, bây giờ làm sao để triển khai được nhanh. Và để đẩy nhanh cần có chế tài giám sát chặt chẽ”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.