A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đối mặt với ‘bão giá’, giám đốc ngân hàng tiết lộ 6 mẹo tiết kiệm giúp bạn trẻ vượt áp lực, sống thảnh thơi

Lương thấp, chi phí nhà ở, ăn uống tăng cao khiến nhiều bạn trẻ không thể tự duy trì cuộc sống mà phải phụ thuộc kinh tế vào bố mẹ.

Áp lực vì bão giá

Xăng dầu, điện, giá cả thực phẩm đều tăng cao chóng mặt. Việc này khiến các gia đình có thu nhập thấp, người trẻ, sinh viên mới ra trường... trở thành những đối tượng chịu tác động lớn nhất.

Theo Quỹ liên thế giới, tổ chức từ thiện giáo dục, một người ở độ tuổi 20 chi khoảng một nửa thu nhập của họ cho tiền thuê nhà, xăng dầu và phương tiện đi lại.

Anh Ngô Minh Quân (25 tuổi) đi làm tại một văn phòng ở Hà Nội. Mỗi tháng, anh mất 2,8 triệu đồng tiền thuê nhà; tiền điện, nước, phí vệ sinh, gửi xe tổng cộng là 1,2 triệu hoặc có thể hơn nếu mùa hè mở nhiều điều hòa.

Ngoài ra, tiền ăn trưa, ăn tối, xăng xe và thỉnh thoảng lại thêm bữa cafe, đám cưới...cũng không hề nhỏ. Trong khi đó, lương của anh chỉ khoảng 8-10 triệu đồng/tháng nên nhiều khi anh phải xin thêm ''viện trợ'' từ bố mẹ mới có thể đủ sống.

Đối mặt với ‘bão giá’, giám đốc ngân hàng tiết lộ 6 mẹo tiết kiệm giúp bạn trẻ vượt áp lực, sống thảnh thơi  - Ảnh 1.

Thực phẩm leo thang khiến người trẻ chật vật

''Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình từng tưởng tượng ra viễn cảnh mỗi tháng sẽ dư dả tiền để biếu bố mẹ. Thế nhưng đến hiện tại mình vẫn phải phụ thuộc vào gia đình rất nhiều.

Thời điểm 3-4 năm trước, giá phòng trọ và thực phẩm cũng không đắt như bây giờ. Đặc biệt mỗi buổi trưa nếu gọi ship đồ ăn thì cũng mất tới 50-70 nghìn đồng/lần, thậm chí hơn. Bởi vậy, nếu tình trạng bão giá kéo dài thì khả năng sống tự lập, mua nhà, cưới vợ đối với mình sẽ còn rất xa vời'', anh Quân bộc bạch.

Cùng chung cảnh ngộ ''vỡ'' kế hoạch sống độc lập như anh Quân, chị Nhung (22 tuổi) vừa tốt nghiệp đại học và đang thử việc tại một trung tâm dạy tiếng Anh quyết định không thuê nhà trọ ở nội thành Hà Nội vì chi phí quá cao.

“Do đang thử việc nên lương của mình chỉ được khoảng 5 triệu đồng, nếu bán được sản phẩm thì mới có thêm tiền hoa hồng. Với mức lương eo hẹp này, nếu thuê nhà rồi thêm các phí dịch vụ, tiền ăn uống thì chắc chắn không đủ.

Mình quyết định về nhà ở ngoại thành, cách chỗ làm 30km, hàng ngày đi xe máy cả đi lẫn về cũng mất 60km. Bữa trưa cũng tự nấu ở nhà mang đi chứ không dám ăn ngoài. Song, qua mấy tháng qua thì phương pháp này cũng không tiết kiệm được là bao vì giá xăng rất đắt. Chưa kể, thời tiết Hà Nội dạo gần đây mưa nắng thất thường, đường lại xa khiến sức khỏe mình bị giảm sút’’, chị Nhung chia sẻ.

Làm sao để vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế?

Người trẻ sống và làm việc tại thành phố lớn ngày càng khó cân đối chi tiêu khi mọi thứ đều đồng loạt tăng giá. Không ít người cảm thấy mệt mỏi, áp lực.

Đối mặt với ‘bão giá’, giám đốc ngân hàng tiết lộ 6 mẹo tiết kiệm giúp bạn trẻ vượt áp lực, sống thảnh thơi  - Ảnh 2.

Nhiều người không dám ăn hàng, phải nấu cơm mang đi làm để giảm chi phí

Để giải quyết vấn đề chi phí gia tăng mà hàng triệu người phải đối mặt, Clare Framrose, Giám đốc tiết kiệm tại ngân hàng Atom cho rằng, chúng ta có thể thực hiện các bước, nhằm có sự chuẩn bị tài chính tốt hơn cho tương lai. Ở góc độ cá nhân, đó là việc giảm thiểu chi phí sinh hoạt và tận dụng tối đa chương trình tiết kiệm có sẵn, Glasgowlive&itv đưa tin.

Vị chuyên gia này cũng đã đưa ra 6 mẹo để giúp giảm thiểu khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, cụ thể:

Thử thách tiết kiệm

Bạn có thể tự đặt ra những thử thách tiết kiệm khác nhau. Ví dụ, thách thức chi tiêu làm tròn: Tháng 1, bạn chi tiêu 13,5 triệu đồng, nhưng tháng 7 bạn đặt ra mục tiêu chỉ tiêu 13 triệu. Con số 500.000 đồng là khoản chênh lệch mà bạn tiết kiệm được.

Bạn cũng có thể đưa ra những thử thách tiết kiệm theo ngày, ví dụ mỗi ngày bỏ lợn 100.000 đồng cho đến hết một năm.

Luôn so sánh giữa các mức giá

Trong thời điểm khó khăn này, bạn đừng xuề xòa với suy nghĩ rằng "không đáng bao nhiêu", vì nhiều khoản nhỏ sẽ tạo thành một khoản lớn.

Chẳng hạn, bạn nên kiểm tra các khoản đang trả cho những tiện ích của bản thân lẫn gia đình, bao gồm cáp truyền hình, viễn thông... sau đó so sánh giá, chất lượng các nhà cung cấp đang đưa ra, từ đó có lựa chọn phù hợp.

Các chuyên gia cũng khuyên bạn nên thay đổi thương hiệu mà bạn đã sử dụng thành thói quen nếu nó lên giá, kể cả trong lĩnh vực thời trang, ăn uống... Ví dụ, nếu tiệm bánh bạn hay mua tăng giá 5%, trong khi bạn ăn thử và phát hiện một tiệm bánh khác chất lượng tương đối, giá thấp hơn... thì tốt nhất hãy thay đổi sang thương hiệu mới đó.

Đối mặt với ‘bão giá’, giám đốc ngân hàng tiết lộ 6 mẹo tiết kiệm giúp bạn trẻ vượt áp lực, sống thảnh thơi  - Ảnh 3.

Cắt giảm mua hàng online để tiết kiệm

Giảm đi du lịch

Hiện nay giá vé máy bay không hề rẻ, các điểm du lịch cũng đang trong thời kỳ nóng lên sau dịch Covid-19... Vì vậy, bạn nên tính toán lại ngân quỹ bạn dự kiến chi cho du lịch và chỉ dùng trong mức đó, thay vì hứng lên là mua vé đi chơi.

Luôn giữ lịch sử tín dụng sạch

Một số người khi vay ngân hàng sẽ gặp khó khăn, phải chịu lãi suất cao hơn do lịch sử tín dụng xấu (từng vay nợ ngân hàng nhưng trả sai hẹn, không trả đủ... ). Do đó, nếu bạn có một lịch sử tín dụng sạch, bạn có thể tiếp cận với mức lãi suất vay thấp hơn, điều này giúp bạn tiết kiệm một khoản đáng kể nếu bạn vay tiền mua nhà, xe...

Học hỏi cách đầu tư

Thay vì chấp nhận việc giá cả leo thang và co kéo trong mức thu nhập vốn có, nên tìm cách tăng thu nhập. Bạn cũng cần học để biết được dòng tiền của mình đang đi đâu, có hợp lý không và tìm kênh đầu tư hợp lý nhất cho số vốn bạn có.

Sống cân bằng

Chi phí sinh hoạt trở thành một gánh nặng cho không ít người, khiến chúng ta nghĩ đến việc cắt giảm những sở thích cá nhân, ví dụ ăn hàng, mua sắm quần áo, đăng ký tài khoản Netflix... Tuy nhiên, nên lập danh sách những gì thiết yếu với cuộc sống cá nhân và những thứ không hoàn toàn cần thiết, từ đó cân đối việc giữ hay bỏ cho phù hợp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm