Doanh nghiệp “dễ thở” hơn, niềm tin nhà đầu tư dần trở lại và môi giới đang cố trụ với nghề
Đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Tập đoàn G6 khi nhận định về những tác động đến thị trường bất động sản sau loạt động thái tháo gỡ khó khăn cho bất động sản thời gian vừa qua.
Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, Chính phủ đã có loạt động thái tích cực để tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Cụ thể, Chính phủ đã ra quyết định Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp trong tháng 11/2022. Ngày 14/12/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Công điện số 1164/CĐ-TTg "về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở". Và trong phiên họp thường kỳ tháng 1/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2.
Gần đây nhất, hôm 8/2/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có cuộc họp với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, để bàn thảo và đưa ra giải pháp về tín dụng cho thị trường bất động sản.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn G6 về các động thái tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường vừa qua tác động gì đến thị trường.
Ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn G6
Ông đánh giá thế nào về các động thái tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được Chính phủ liên tục triển khai thời gian qua?
Bắt đầu từ quý 3/2022, Chính phủ đã bắt đầu manh nha có những động thái theo dõi khó khăn của thị trường bất động sản để tháo gỡ về mặt thị trường, về mặt thủ tục và tháo gỡ tính trạng khiếu nại khiếu kiện sao cho giảm bớt. Mục tiêu cuối cùng là phát triển bất động sản bền vững, lấy bất động sản làm đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế, mục tiêu an sinh xã hội, nhà ở cho người dân.
Động thái mới nhất là cuộc họp hôm 8/2 về tín dụng bất động sản, tôi thấy rằng về cơ bản chưa có giải pháp gì đột phá cho thị trường thời điểm hiện tại. Cuộc họp cũng chưa có gì cụ thể và đạt được kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn thấy được hy vọng và tia sáng từ kết luận của phía Ngân hàng Nhà nước.
NHNN khẳng định chưa có một văn bản, phát ngôn nào siết tín dụng bất động sản. Cho nên, tôi nhận thấy việc tiếp cận vay bất động sản hiện tại sẽ dễ hơn quý 3-4/2022 và động thái mới nhất của phía nhà băng đã giảm lãi suất huy động. Đây là những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, muốn đột phá và như kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp căn cứ vào chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông thấy các động thái tìm cách gỡ khó cho thị trường đã tác động gì đến với thị trường, nhà đầu tư, thưa ông?
Thực tế, hiện nay các tác động cụ thể chưa có sự rõ nét, nhưng các động thái tích cực của Chính phủ đã tác động tích cực đến đối tượng nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. Vì lý do từ tháng 4/2022-8/2022, thị trường bất động sản tràn ngập các thông tin xấu. Cho nên, khi thấy những động thái của Chính phủ và NHNN, nhà đầu tư đã lạc quan và có dấu hiệu chờ đợi. Tùy theo mức độ lạc quan cũng như nguồn lực của mỗi người có những trạng thái khác nhau: Có người mua luôn, có người trong trạng thái chờ đợi diễn biến thị trường để xuống tiền mua còn nhiều người khác đang tìm kiếm cơ hội.
Với nhóm môi giới bất động sản, nhiều sales có ý định bỏ nghề nhưng khi thấy những tín hiệu thị trường tốt trở lại họ cũng muốn trụ với nghề. Một số môi giới đã bỏ nghề thì cũng có dấu hiệu quay trở lại.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, tầm quý 2-3/2022 không tiếp cận được với nguồn vốn còn giờ họ tiếp cận được với nguồn vốn thì cũng giảm bớt khó khăn, có vốn để duy trì doanh nghiệp, triển khai dự án.
Sắp tới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Tại Hội nghị sắp tới, ông có kỳ vọng gì về việc tháo gỡ những khó khăn của thị trường bất động sản?
Thứ nhất, đối với Bộ xây dựng, tôi hy vọng làm sao các dự thảo về Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản hoàn thiện đúng tiến độ để tháng 10 bấm nút thông qua và các luật đồng bộ chi tiết, dễ hiểu để áp dụng đúng, cho nhanh vào thực tế.
Thứ hai, tôi mong Bộ xây dựng có những chính sách tham mưu cho Chính phủ và tư vấn cho NHNN để có những biện pháp tháo gỡ thị trường bất động sản hiện nay. Và trong đó xử lý mấy nhóm đang khó khăn là về thủ tục đầu tư, room tín dụng cũng như lãi suất và vấn đề lưu chuyển dòng vốn.
Bên cạnh đó, phía NHNN nghiên cứu giãn nợ để doanh nghiệp có cơ hội trả nợ hay việc xử lý trái phiếu cũng phải phân loại các doanh nghiệp để làm sao xử lý trái phiếu một cách khéo léo nhất, đảm bảo quyền lợi người dân cũng như để doanh nghiệp phát triển.