A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển bội thu

Nhu cầu phục hồi tốt cùng giá cước neo cao là nguyên nhân chính kéo dài mùa kinh doanh thuận lợi của ngành vận tải biển, cảng biển.

 

Doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển bội thu

Ngành vận tải biển, cảng biển được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Ảnh Internet.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa đường biển đạt hơn 77,8 triệu tấn, tăng khoảng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, chỉ số giá vận tải đường biển trong quý 3 tăng gần 5% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng tăng hơn 11%. Đây là động lực lớn cho nhu cầu vận tải biển phục hồi và giúp các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển niêm yết trên sàn chứng khoán phần lớn đều báo lãi tăng mạnh.

Nổi bật là CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS), quý vừa qua, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 711,86 tỷ đồng, tăng 85,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 154,12 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, VOS ghi nhận doanh thu đạt 1.804,25 tỷ đồng, tăng 87,1% và lợi nhuận trước thuế đạt 566,2 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, qua đó hoàn thành 144,8% kế hoạch lợi nhuận năm.

VOS cho biết trong 9 tháng qua mặc dù thị trường vận tải biển có diễn biến phức tạp song mặt bằng giá cước được duy trì ở mức tốt, bên cạnh đó công ty còn có thêm doanh thu từ 2 đầu tàu Đại An và Đại Phú; 125 tỷ từ bán cổ phiếu MSB, 93 tỷ từ bán tàu Đại Nam.

Tương tự, "anh cả" Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - MVN) tuy ghi nhận lãi quý 3 giảm nhưng lũy kế 9 tháng đạt hơn 2.770 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2021 và vượt 10% kế hoạch cả năm.

Một "ông lớn" khác thuộc ngành vận tải biển là CTCP Gemadept (GMD) cũng có kết quả kinh doanh thuận lợi. Lãi quý 3 tăng hơn 76% lên gần 290 tỷ đồng. Sau 9 tháng, GMD cách đích kế hoạch lợi nhuận sau thuế khoảng 6%, tăng gần 84% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) cũng có lợi nhuận sau thuế tăng hơn 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 270 tỷ đồng. Sau 9 tháng báo lãi gấp 1,5 lần kế hoạch cả năm.

Về phần mình, Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVTrans - PVT) ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 390 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ 2021. Sau 9 tháng, doanh nghiệp này có lãi trước thuế hơn 1.035 tỷ đồng, vượt 72% kế hoạch cả năm.

Sản lượng hàng hóa thông qua tăng 3,36% so với cùng kỳ cũng giúp CTCP Cảng Đà Nẵng (CDN) báo doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 đạt 863 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 245 tỷ đồng và hoàn thành 71% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Với CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (DVP), lũy kế 9 tháng, Cảng Đình Vũ ghi nhận doanh thu thuần đạt 445,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt gần 230 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Năm 2022, doanh nghiệp này lên kế hoạch doanh thu 725 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 345 tỷ đồng; cùng tăng 19% so với thực hiện năm trước. Như vậy, sau 9 tháng, DVP thực hiện được 62% mục tiêu doanh thu và 80% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Trong khi đó, việc TP.HCM triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng biển từ tháng 4/2022 đã tạo thuận lợi lớn cho CTCP Cảng Đồng Nai (PDN) khai thác tốt mảng dịch vụ trung chuyển loại hàng hóa thông qua Cảng Đồng Nai về các cảng khu vực Cái Mép. Kết quả, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PDN trong quý 3 là 275,5 tỷ đồng và 67,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 31% và 77% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, công ty có 805 tỷ đồng doanh thu thuần và 193 tỷ đồng lãi ròng, tăng 49% so với cùng kỳ, hoàn thành được 85,6% mục tiêu về doanh thu và 114% mục tiêu về lợi nhuận.

Về phần mình, Cảng Hải Phòng vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2022 nhờ mặt hàng container nội địa và container xuất nhập khẩu qua Cảng duy trì ổn định. Kết quả, doanh thu hợp nhất đạt 1.737 tỷ đồng còn lợi nhuận trước thuế ở mức 702 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch năm 2022.

Thách thức

SSI Research đánh giá sự bùng nổ nhu cầu vận tải biển trong giai đoạn vừa qua chủ yếu là do tác động của dịch COVID, do đó sẽ kém bền vững hơn so với giai đoạn trước cuộc khủng hoảng năm 2008, khi quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và hoạt động thương mại gia tăng trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, các hãng vận tải hiện nay cũng thận trọng hơn khi đầu tư đóng mới tàu, tỷ lệ đơn đóng mới trên tổng đội tàu chỉ đạt 28%, thấp hơn đáng kể mức 70% trong cuộc khủng hoảng năm 2008.

Mặt khác, thách thức cho ngành vận tải biển còn đến từ quy định mới của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), áp dụng từ năm 2023. Quy định này yêu cầu các hãng vận tải phải giảm lượng khí thải bằng cách giảm tốc độ chạy tàu, nâng cấp tàu hoặc mua tín chỉ carbon. Theo SSI Research, quy định mới có thể làm giảm 5-10% năng lực hoạt động của đội tàu.

Đối mặt với nguy cơ cung vượt cầu trong thời gian tới, SSI cho rằng các hãng vận tải có thể sẽ giới hạn nguồn cung để kiểm soát giá cước. Chưa kể, những đứt gãy trong chuỗi cung ứng vẫn chưa giải quyết triệt để khi Trung Quốc vẫn thực thi chính sách Zero Covid và chiến sự Nga - Ukraine vẫn nóng bỏng. Như thế, giá cước giao ngay có thể sẽ tìm thấy điểm cân bằng cao hơn mức trước COVID-19 và mang lại hy vọng hạ cánh mềm cho ngành vận tải biển.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm