A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đánh thức tiềm năng du lịch trên khắp đất nước

Năm Du lịch Quốc gia 2024 với chủ đề "Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận" sẽ chính thức khai mạc ngày 16/3. Xuyên suốt năm 2024 sẽ có 169 chương trình, sự kiện nhằm làm nổi bật những giá trị, tiềm năng của du lịch Điện Biên, vùng Tây Bắc và đất nước. Đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đánh thức tiềm năng du lịch ở những vùng đất phát triển chưa tương xứng, đúng như mục tiêu của Năm Du lịch Quốc gia đã đề ra ban đầu.
 

* Tạo điểm nhấn, sự bứt phá cho Điện Biên

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy thông tin: Trong chương trình phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế dựa trên ba trụ cột chính là du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Năm 2024, Điện Biên được chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia không chỉ giúp khơi dậy niềm tự hào về 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội nơi đây. Trong đó, du lịch là một trụ cột mà Điện Biên đang hướng tới và tập trung xây dựng.

Điện Biên là mảnh đất lịch sử gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Những di tích như: Đồi A1, Hầm Đờ-cát-tơ-ri, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng hay Đền thờ các anh hùng liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ... đã được đầu tư xây dựng, tôn tạo đã đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử của du khách trong nước, quốc tế. Ngoài thế mạnh du lịch lịch sử, Điện Biên giàu tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe với hệ thống suối khoáng nóng, homestay hay du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên, trải nghiệm bản sắc văn hóa của 19 dân tộc. Điện Biên cũng là địa phương duy nhất ở Tây Bắc có đường bay kết nối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu chia sẻ: Điện Biên có nhiều yếu tố thuận lợi để thực hiện Năm Du lịch Quốc gia 2024, điểm nhấn là 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ mà mỗi người con nước Việt đều tự hào. Nhờ đường hàng không, Điện Biên trở thành cửa ngõ của Tây Bắc và tiềm năng này sẽ được khai thác, sản phẩm du lịch đặc sắc của Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng sẽ phát huy được lợi thế. Địa phương cũng có những cơ hội tạo ra sản phẩm đặc sắc từ những đặc trưng riêng... Những giá trị đó sẽ là cú hích để Năm Du lịch Quốc gia 2024 có điểm nhấn và tạo sự bứt phá.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, từ năm 2021 đến nay, tỉnh huy động trên 8.000 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển du lịch. Để kết nối du lịch vùng, quốc gia, Sở phối hợp tổ chức 6 đoàn Famtrip khảo sát, xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch; tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tại Luông Pha Bang (Lào)... Điện Biên rất chú trọng xây dựng sản phẩm mới để thu hút du khách, gắn với quảng bá văn hóa địa phương. Đáng chú ý, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND huyện Điện Biên giới thiệu show diễn thực cảnh "Huyền tích UVA" nhằm mang lại cho du khách những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn tại bản Uva, xã Noong Luống, huyện Điện Biên.

Chương trình do nghệ nhân dân gian, diễn viên quần chúng tại xã Noong Luống, diễn viên múa chuyên nghiệp biểu diễn, giới thiệu huyền tích, lịch sử và các vũ điệu, văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái gắn với điểm đến du lịch, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm của du khách. Những người thực hiện rất mong muốn show diễn này sớm trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Điện Biên, giúp kết nối cộng đồng, doanh nghiệp để xây dựng sản phẩm có sức hấp dẫn, lan tỏa, gắn kết.

*Khơi dậy tiềm năng, đánh thức những vùng đất mới

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu chia sẻ: Từ năm 2002, Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã có sáng kiến thực hiện Năm Du lịch Quốc gia. Cho đến nay, Năm Du lịch Quốc gia đã được thực hiện 19 lần và luôn bám sát mục tiêu khơi dậy xu hướng, tiềm năng, thu hút du khách, nhà đầu tư đến đánh thức những vùng đất mới, có trải nghiệm thú vị nhất.

Nếu chủ đề Năm Du lịch Quốc gia giai đoạn 2003 - 2010 chủ yếu gắn với các sự kiện quan trọng tầm quốc gia, khu vực, đến năm 2011, việc xác định chủ đề đã hướng vào trọng tâm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng vùng. Việc lựa chọn địa phương đăng cai tổ chức cũng được chuyển từ các trọng điểm du lịch sang nơi du lịch có tiềm năng nhưng phát triển chưa xứng tầm.

Có thể nói, Năm Du lịch Quốc gia đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho các địa phương, tạo sự chuyển biến về nhận thức vai trò của kinh tế du lịch. Các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ du lịch, xây dựng sản phẩm mới, tuyên truyền, quảng bá đã góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, tăng trưởng mạnh mẽ du lịch nội địa...

Đáng chú ý, Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 với chủ đề "Du lịch biển, đảo" đã tạo động lực để vực dậy tiềm năng du lịch  của 7 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đặc biệt là "đánh thức" du lịch vùng đất Phú Yên giàu tiềm năng vẫn đang "ngủ say". Năm 2011, lượng khách đến các tỉnh, thành phố trong khu vực tăng khá cao, trong đó khách quốc tế tăng 22%. Riêng Phú Yên, khách lưu trú du lịch tăng trên 38%, khách quốc tế tăng 46%, thu nhập du lịch xã hội tăng trên 80% so với năm 2010…

Phú Yên thực sự được du khách trong nước và quốc tế biết nhiều hơn sau phim điện ảnh "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ ra mắt năm 2015. Rất nhiều du khách tìm đến vùng đất "hoa vàng cỏ xanh" với cảnh sắc nên thơ, hữu tình, số lượng khách tăng dần đều, năm sau hơn năm trước. Năm 2023, Phú Yên đón 3,2 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 4.900 tỷ đồng. Mới đây, báo Star của Malaysia vừa bình chọn Phú Yên dẫn đầu danh sách top các điểm đến Đông Nam Á tuyệt đẹp năm 2024. Thêm vào đó, tháp Nghinh Phong - biểu tượng du lịch mới của du lịch Phú Yên hiện đang rất hút du khách trong và ngoài nước; nhiều êkip làm phim, gameshow cũng đến đây ghi hình. Tháp được xây dựng lấy cảm hứng từ gành đá đĩa và truyền thuyết con rồng cháu tiên, mang ý nghĩa về sự gắn kết, phát triển của dân tộc.

Năm 2022,  Quảng Nam mạnh dạn đăng cai Năm Du lịch Quốc gia với chủ đề "Điểm đến du lịch xanh" nhằm ghi dấu sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của ngành trong bối cảnh vừa trải qua khủng hoảng nghiêm trọng do COVID-19. Kết quả, du lịch Quảng Nam đã đón lượng khách tăng 13 lần so với năm 2021; doanh thu du lịch ước đạt 3.800 tỷ đồng. Quan trọng là số doanh nghiệp du lịch tăng trở lại, tạo công ăn việc làm cho người lao động; kinh doanh du lịch "ấm" lên theo đà phục hồi.  Hội An còn được bình chọn là "Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á", "Thành phố tốt nhất châu Á", "Điểm đến lãng mạn nhất thế giới"...

Gần đây nhất, Năm Du lịch Quốc gia 2023 được coi là cú hích quan trọng để kích hoạt trở lại nhiều dự án đầu tư phát triển, hoàn thành, đi vào hoạt động, mở ra chương mới về du lịch chất lượng, đẳng cấp chuyên nghiệp, khẳng định thương hiệu cho du lịch Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung. Việt Nam cũng vinh dự nhận giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á 2023" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023" - thành quả cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn ngành du lịch, trong đó có đóng góp của chuỗi các hoạt động nhân Năm Du lịch Quốc gia - Bình Thuận: Hội tụ xanh.

Phó Cục Trưởng Cục du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhấn mạnh: Với hiệu ứng lan tỏa, có thể khẳng định Năm Du lịch Quốc gia đã góp phần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là xu hướng du lịch xanh, bền vững, đồng thời khẳng định thương hiệu và sức hút đặc biệt của du lịch nước ta.../.

Thanh Giang


Tác giả: Hà Thị Thanh Giang
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm