A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đắk Lắk: Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương từ chương trình OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Đắk Lắk đang trên đà khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ các vùng nguyên liệu nông sản, đặc sản đặc trưng nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa, từng bước nâng cao vị thế, giá trị sản phẩm.

Article thumbnail
Đắk Lắk đã có 240 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao. Ảnh: TL

Đắk Lắk có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo chiều sâu, tập trung. Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Đắk Lắk đã có 240 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, trong đó có 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 42 sản phẩm 4 sao, 195 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được chất lượng, uy tín không chỉ với người tiêu dùng trong nước mà còn vườn tầm quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp.

Với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng hằng năm xấp xỉ 550.000 tấn, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk. Từ khi triển khai Chương trình OCOP, nông dân, hợp tác xã (HTX), chủ thể nhận biết rõ hơn tầm quan trọng của các mô hình tổ chức sản xuất, chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm cà phê.

Đắk Lắk đang trên đà khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ các vùng nguyên liệu nông sản, đặc sản đặc trưng. Ảnh: TL 

Đến nay, cà phê là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 đến 4 sao cấp tỉnh nhiều nhất, với trên 70 sản phẩm. Có thể kể đến các sản phẩm tiêu biểu như: Cà phê bột Robusta của Công ty TNHH Êđê café, Cà phê hạt rang mộc nguyên chất Ea Tu của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Ea Tu, Cà phê chồn Kiên Cường của Công ty TNHH MTV Kiên Cường, Cà phê Robusta chế biến ướt của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Ea Kiết, Cà phê hạt Trung Hòa đặc biệt của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ cà phê bột Trung Hòa… Đặc biệt có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao của Công ty TNHH MTV Kiên Cường đang trình Trung ương công nhận.

Các chủ thể sau khi đạt chuẩn OCOP đều chú trọng đến quy trình từ trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê; không ngừng nâng cấp, phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhờ đó từng bước tìm ra hướng đi hợp lý trong sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm cà phê chất lượng cao.

Ví như HTX Sản xuất Nông nghiệp Ea Wy (huyện Ea H'leo), với vùng nguyên liệu hơn 200ha trồng cà phê chuẩn VietGAP, để nâng cao giá trị sản phẩm và giá bán cho bà con, HTX tổ chức chế biến sâu nhằm cung cấp cho thị trường sản phẩm cà phê sạch. Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ sản xuất, đến nay sản phẩm cà phê bột Ea Wy của HTX đã đạt OCOP 3 sao. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để HTX phát triển và thương mại sản phẩm cà phê bột của mình trên thị trường tốt hơn.

Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được những vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống, hình thành nhiều sản phẩm thế mạnh.

Nghệ nhân ở làng gốm cổ buôn Dơng Bắk (xã Yang Tao, huyện Lắk) tỉ mỉ tạo ra những sản phẩm gốm bằng cách làm thủ công, mang đậm giá trị văn hóa bản địa. Ảnh: TL 

Điển hình là HTX Dịch vụ Tổng hợp Nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty, huyện Krông Bông, Đắk Lắk). Từ mô hình cánh đồng mẫu lớn ban đầu quy mô 50 ha, đến nay cùng với sự đồng hành của HTX Thăng Bình, mô hình đã liên kết nông dân các xã Hòa Lễ, Hòa Tân, Yang Reh bắt tay cùng HTX sản xuất giống lúa ST24, ST25, Đài Thơm 8 trên 200 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất khép kín với sự liên kết của "4 nhà", giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, tạo được sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm với chi phí sản xuất thấp.

Đến nay, sản phẩm Gạo Sạch Thăng Bình HTB đã tiếp cận thị trường của 12 tỉnh thành trong nước, tiếp cận các sàn thương mại điện tử, tổ chức kết nối kinh doanh BNI Việt Nam. HTX cũng đưa ra thị trường hàng ngàn tấn sản phẩm mỗi năm, với 3 loại gạo ST24, ST25, ĐT8.

Đắk Lắk hiện đang tập trung phát huy thế mạnh sẵn có với các sản phẩm nông sản chủ lực như: Cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca... Đồng thời, địa phương này cũng hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa truyền thống của các dân tộc. 

Theo đề xuất đăng ký của UBND tỉnh Đắk Lắk, Buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt mô hình thí điểm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 với mô hình "Phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa và nghề truyền thống tại buôn Kuốp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk", thời gian thực hiện từ 2023 đến 2025. Hiện UBND tỉnh đã giao UBND huyện Krông Ana lập dự án/kế hoạch triển khai mô hình.

Buôn Kuốp là một trong những buôn được quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng theo quyết định của UBND tỉnh. Buôn Kuốp hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch như: Có cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống; còn duy trì các hình thức biểu diễn nghệ thuật, các lễ hội truyền thống của địa phương; có điểm tham quan lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng; có đặc sản ẩm thực địa phương. Cùng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, đặc trưng bản địa. 

Việc gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch là hướng đi cần thiết, ngày càng được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn. Đồng thời bảo tồn các giá trị văn hoá, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.

leftcenterrightdel
 Nông dân Đắk Lắk ngày càng chú trọng quy trình chăm sóc, thu hoạch cây cà phê nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Ảnh: TL

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, phát triển sản phẩm OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế nông thôn, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Do vậy, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP không chỉ là cơ hội để các sản phẩm địa phương khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, mà còn góp phần phát huy hiệu quả, tiềm năng bản địa hướng đến xây dựng các sản phẩm đặc thù và trở thành đặc sản của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì chương trình OCOP cũng còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, đa số các chủ thể tham gia Chương trình OCOP có quy mô, năng lực quản trị còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường còn yếu... Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, vận động về ý nghĩa của Chương trình OCOP cần phải được mở rộng thêm. 

Theo đó, để phát huy được giá trị của sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk, đối với các sản phẩm đã được đánh giá phân hạng cấp tỉnh, các chủ thể cần tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu sản phẩm.

Cùng với đó, tiếp tục lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đăng ký tham gia chương trình OCOP. Tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với các chủ thể trong quá trình đánh giá, phân hạng, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ chủ thể xây dựng các vùng nguyên liệu ổn định để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm