A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CPI tháng 1/2022 tăng 1,94% so với cùng kỳ năm 2021

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng 12/2021. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1/2022 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%. Về thương mại, tháng 1/2022, ước tính Việt Nam nhập siêu 500 triệu USD.

Hình minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân của thực trạng CPI tăng chủ yếu do tháng 1/2022 là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng cộng với giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới…

Cụ thể, so với tháng 12/2021, CPI tháng 1/2022 tăng 0,19%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá; riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giữ giá ổn định.

So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1/2022 tăng 1,94%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 7 nhóm tăng giá và 4 nhóm giảm giá. Theo đó, các nhóm hàng tăng giá gồm nhóm giao thông tháng 1/2022 tăng cao nhất với 14,55% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,41 điểm phần trăm; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,51% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 8,23% theo giá nguyên vật liệu đầu vào; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,75% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.

Bên cạnh đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 1/2022 tăng 0,88% so với cùng kỳ năm trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,22%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,57%.

Ở chiều ngược lại, có 4 nhóm hàng giảm giá: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14% chủ yếu do giá thực phẩm giảm 1,69%; Nhóm giáo dục giảm 3,78% do trong học kỳ I năm học 2021-2022, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn, giảm học phí; Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,65% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm; Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,11% do giá du lịch trọn gói và giá khách sạn, nhà khách giảm khi chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Lạm phát cơ bản tháng 1/2022 tăng 0,26% so với tháng 12/2021, tăng 0,66% so với cùng kỳ 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,94%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 1 năm nay ước đạt 58,5 tỷ USD, giảm 11,7% so với tháng 12/2021; trong đó, xuất khẩu đạt 29 tỷ USD, nhập khẩu đạt 29,5 tỷ USD. Như vậy, cả nước nhập siêu 500 triệu USD trong tháng 1. So với cùng kỳ năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) tăng 6,3%; trong đó xuất khẩu (XK) tăng 1,6%; nhập khẩu (NK) tăng 11,5%.

Cụ thể, XK hàng hóa tháng 1/2022 ước đạt 29 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng 12/2021; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,2 tỷ USD, giảm 16,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,8 tỷ USD, giảm 15,9%. So với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch XK hàng hóa tháng 1/2022 tăng 1,6%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 20,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,2%. Tháng 1/2022 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch XK.

Về NK hàng hóa, kim ngạch đạt được trong tháng 1/2022 ước đạt 29,5 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng 12/2021; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10 tỷ USD, giảm 4,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,5 tỷ USD, giảm 7,9%. So với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch NK hàng hóa tháng 1/2022 tăng 11,5%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 12,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,8%. Tháng 01/2022 có 4 mặt hàng NK đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 46,8% tổng kim ngạch NK.

Tổng cục Thống kê cho biết, Mỹ là thị trường XK hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 năm nay với kim ngạch ước đạt 9 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 10,2 tỷ USD.

Đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu mới đây, IMF đã hạ triển vọng kinh tế toàn cầu 2022 dưới tác động của biến chủng Omicron. Cụ thể, ngày 25/1, IMF ra báo cáo, trong đó dự báo GDP toàn cầu tăng 4,4% trong năm nay, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2021.

Nhóm các quốc gia phát triển được IMF dự báo tăng 3,9% trong năm 2022 (-0,6 điểm phần trăm); trong đó Mỹ tăng 4,0% (-1,2 điểm phần trăm); Khu vực Euro tăng 3,9% (-0,4 điểm phần trăm); Nhật Bản tăng 3,3% (+0,1 điểm phần trăm) và Anh tăng 4,7% (-0,3 điểm phần trăm).

GDP nhóm các nước đang phát triển được dự báo tăng 4,8% (-0,3 điểm phần trăm), trong đó Trung Quốc chỉ tăng 4,8% (-0,8 điểm phần trăm); Ấn Độ tăng 9,0% (+0,5 điểm phần trăm) và nhóm ASEAN 5 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand, Việt Nam) tăng 5,6% (-0,2 điểm phần trăm).

Các đánh giá trên của IMF dựa trên bối cảnh biến thể Omicron đang bùng phát ở nhiều quốc gia lớn, khiến cho các hoạt động kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn. IMF khuyến nghị các quốc gia nên sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để khắc phục tình hình dịch bệnh cũng như hỗ trợ nền kinh tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm