A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần tiếp tục gỡ khó để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

Cho rằng, nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt kế hoạch đề ra, song nền kinh tế vẫn còn khó khăn, thách thức, nhiều đại biểu đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, giữ chân lao động để phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau). Ảnh: TL 

Trong hai ngày 1-2/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Bên lề hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đã có đề xuất về giải pháp với Quốc hội và Chính phủ về vấn đề này.

Cho ý kiến về việc hấp thụ vốn đầu tư công đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) cho biết, Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển KT-XH đã tạo điều kiện cho Chính phủ triển khai gói hỗ trợ với quy mô lớn khoảng 350.000 tỷ đồng.

“Trong gói phục hồi phát triển chúng ta có khá nhiều hợp phần, trong đó hợp phần chiếm nhiều nhất chi cho đầu tư công, còn phần hỗ trợ cho người lao động triển khai còn chậm, đến giờ phút này triển khai chưa được nhiều“ đại biểu nhận xét.

Từ phân tích trên đại biểu cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành phải rà soát lại tổng thể toàn bộ các dự án, công trình bảo đảm thủ tục theo qui định của luật Đầu tư công và những cơ chế của Nghị quyết 43 đã tháo gỡ để triển khai thực hiện. “Nếu chúng ta chờ đồng bộ theo cả gói thì sẽ lỡ nhịp và tiếp tục khó khăn”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai). Ảnh: TL

Cho rằng, nhiều chỉ tiêu quan trọng trong năm 2021 đạt và vượt kế hoạch đề ra, song nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) phân tích: Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh; kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển.

Đại biểu cũng cho rằng việc thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, năng suất lao động còn thấp, thu nhập của phần lớn nông dân chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều.

Do vậy, đại biểu đề nghị để nâng cao thu nhập của người nông dân, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình, thì ngoài các yếu tố hỗ trợ về khoa học, giống, vật tư nông nghiệp… thì đòi hỏi phải có sự đổi mới và đột phá trong việc liên kết sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, để ổn định nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân.

Ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn nhưng kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các doanh nghiệp và người dân nên thu ngân sách Nhà nước năm 2021 tăng 16,8%, nợ Chính phủ và nợ công trong tầm kiểm soát, thấp hơn mục tiêu đề ra. Đặc biệt, những kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực của những tháng đầu năm 2022 với những con số đã nêu trong báo cáo rất ấn tượng.

Tuy nhiên, hơn 2 năm ứng phó với đại dịch COVID-19, nền kinh tế bị suy giảm, kéo theo những ảnh hưởng từ biến động trên thế giới, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu liên tục tăng cũng đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là đối với ngư dân vươn khơi bám biển, giữ gìn bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các ngành trong việc triển khai Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 43 của Quốc hội nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khiến cho những chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được thụ hưởng ưu đãi về vốn, về thuế mà các chương trình mong muốn mang lại.

Bởi vậy đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, giữ chân lao động để phục vụ phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội.

Còn theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp: Thời gian qua, các tuyến đường thủy nội địa của chúng ta ít được đầu tư, quan tâm, dù trung ương đã xác định trong chiến lược phát triển hệ thống đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Chính phủ phê duyệt. Do vậy, việc đầu tư cho tuyến thủy nội địa là vô cùng quan trọng, bởi lĩnh vực này đang giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp mà không thua kém gì đường sắt, đường bộ.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị mức đầu tư cho giao thông đường thủy nội địa cần phải quan tâm hơn thì loại hình giao thông đường thủy mới phát huy hiệu quả. Đồng thời, phải luật hóa nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường bằng cách hạn chế tối đa xả thải, chất thải với các loại hình giao thông đường bộ để giảm xuống; phải xây dựng, kết nối giữa các loại hình giao thông khác với giao thông thủy nội địa. Quy hoạch phải gắn với tổ chức liên kết giao thông. Chẳng hạn như bến tàu, bến cảng, bến xe có chức năng kết nối với giao thông thủy nội địa thì phải quy hoạch có điểm chung để dễ di chuyển, chi phí thấp./.

Nhóm PV

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm