A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Thuận: Triển khai nhiều giải pháp đạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024

Sáng 9/1, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Bình Thuận xác định năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Với những kết quả khả quan về sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bình Thuận đặt chỉ tiêu tăng GRDP từ 8% - 8,5% trong năm 2024; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đề ra nhiều giải pháp hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, Bình Thuận đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội dựa trên phát huy tiềm năng, lợi thế và hiệu quả của đầu tư công (với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư), phấn đấu đẩy nhanh tiến độ các dự án: Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức; kho cảng LNG Sơn Mỹ, Nhà máy điện khí; Cảng hàng không Phan Thiết; Khu du lịch Quốc gia Mũi Né,… Bình Thuận phấn đấu quy mô kinh tế của tỉnh trên 110 nghìn tỷ đồng. 

Các đại biểu nhìn nhận tỉnh cần tập trung phát triển đồng đều 3 trụ cột công nghiệp - du lịch - nông nghiệp; phát triển các khu công nghiệp, đô thị, du lịch, phấn đấu đạt được mục tiêu Đại hội XIV đề ra là “Xây dựng tỉnh Bình Thuận mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch”. Năng lượng và du lịch tỉnh đã có nền tảng, do đó tỉnh tập trung phát triển kinh tế biển. Tỉnh xác định kinh tế biển không chỉ đơn thuần là phát triển thủy hải sản mà là tất cả hoạt động dựa trên nền tảng biển như cảng biển, logistics, du lịch - thể thao biển,…

Tỉnh đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình triển khai nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Bình Thuận tiếp tục tổ chức sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó nhấn mạnh về tư tưởng, chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; động viên, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo trong công việc; đồng thời sẵn sàng chuyển đổi vị trí công tác, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, thiếu trách nhiệm, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống…

Trong năm 2023, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) của Bình Thuận tăng 8,1% xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40.611 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 904 triệu USD. Thu ngân sách đạt hơn 10.000 tỷ đồng, đạt 100% dự toán. Đặc biệt, quy mô kinh tế của tỉnh năm 2022 chỉ 96,4 nghìn tỷ, đến năm 2023 đã tăng lên hơn 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố… Thu nhập bình quân đầu người đạt 54,3 triệu đồng, tăng 5,1% so với năm 2022.

Ngành Du lịch tỉnh trở thành điểm sáng nổi bật khi phục hồi và tăng trưởng nhanh, từ đó lan tỏa mạnh tới sự phát triển của nhóm ngành dịch vụ khác như: vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động vui chơi giải trí... Trong năm, tỉnh đón 8,35 triệu lượt du khách, tăng 45,98% và doanh thu đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2022; là một trong số 10 tỉnh, thành phố có tổng lượt du khách và doanh thu du lịch cao nhất cả nước./.


Nguyễn Thanh


Tác giả: Nguyễn Văn Thanh
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm