A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bền bỉ hành trình xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp

Từ chỗ nở rộ tự phát, theo phong trào, phát triển cụm công nghiệp tại các địa phương trên cả nước dần đi vào khuôn khổ có định hướng rõ ràng.

Từ chỗ tự phát, nhiều hệ lụy ….

Theo Cục Công Thương địa phương, trước năm 2009 chưa có văn bản quy phạm pháp luật cấp Trung ương quy định chung, việc quản lý cụm công nghiệp do các địa phương quy định riêng, nặng tính tự phát, theo phong trào, mỗi nơi mỗi kiểu, thiếu tính định hướng.

Giai đoạn này, trên cả nước đã hình thành các khu, cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, cho phép đầu tư. Tuy nhiên do thiếu khung pháp lý và định hướng các cụm công nghiệp phát triển tự phát gây nhiều hệ lụy về quản lý, môi trường, sử dụng đất nông nghiệp, an ninh lương thực và đời sống nông dân chưa được quan tâm đúng mức.

Sau khi Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg về quy chế quản lý cụm công nghiệp được ban hành đã tạo ra khung pháp lý thống nhất quản lý cụm công nghiệp từ Trung ương đến các địa phương; làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư hạ tầng và các đơn vị liên quan chấp hành đúng chủ trương, quy định của nhà nước về phát triển cụm công nghiệp.

Bền bỉ hành trình xây dựng cơ chế cho phát triển cụm công nghiệp

Phát triển cụm công nghiệp ngày một theo định hướng rõ ràng, cơ chế quản lý chặt chẽ

Tiếp đó, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý cụm công nghiệp như: Thông tư số 39/2009/TT-BCT hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009; Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT hướng dẫn xử lý cụm công nghiệp hình thành trước khi Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg có hiệu lực; Thông tư số 17/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Thông tư số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT.

Giai đoạn này, công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động cụm công nghiệp ngày càng được các địa phương nhận thức một cách đúng mức, tổ chức thực hiện theo trình tự, quy định của pháp luật; hạn chế việc phát triển cụm công nghiệp tự phát, thiếu quy hoạch.

Hầu hết các tỉnh, thành phố đã ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn, tạo được mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành và UBND cấp huyện trong việc quản lý, đầu tư, quy hoạch và phát triển cụm công nghiệp gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện công tác lập quy hoạch riêng và ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn.

Đăc biệt, việc phát triển cụm công nghiệp đã góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương theo định hướng quy hoạch; đồng thời di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, thuận tiện cho việc xử lý ô nhiễm môi trường.

…. đến phát triển theo định hướng rõ ràng, cơ chế quản lý chặt chẽ

Có thể thấy, sau hành trình dài xây dựng cơ chế, từ chỗ tự phát phát triển cụm công nghiệp đã dần đi vào nền nếp.

Đặc biệt từ năm 2017 đến nay với sự ra đời của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Nghị định số 66/2020/NĐ- sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68 cùng những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã tạo hành lang pháp lý thống nhất thực hiện trong cả nước từ: Quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, hoạt động trong cụm công nghiệp. Đồng thời, chấn chỉnh việc phát triển cụm công nghiệp tự phát trước đây, thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp.

Công tác quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo trình tự, quy định của pháp luật. Nhiều địa phương đã rà soát xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, quy hoạch phát triển và chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp trên địa bàn. Điều này đã tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách về đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình.

Dù vậy, theo đại diện Cục Công Thương địa phương, tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp tại các địa phương nhìn chung còn chậm, trông chờ vào ngân sách; thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp tại nhiều địa phương, nhất là địa phương vùng miền núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn; vấn đề môi trường chưa được cải thiện rõ rệt,... Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Hiện, Cục Công Thương địa phương đang chủ trì soạn thảo một văn bản mới về cụm công nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp hiện nay.

Ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho hay: Ban soạn thảo sẽ nỗ lực tạo sự đồng bộ ở mức cao nhất có thể cho văn bản này, phù hợp với các quy định hiện hành trong lĩnh vực cụm công nghiệp. Đồng thời, sẽ đề cao hơn nữa vai trò của ngành Công Thương trong tác quản lý cụm công nghiệp, nhất là ở các địa phương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm