A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 2: Nền tảng tạo đà đưa Việt Nam vào vị trí tốt hơn

Là quốc gia có chủ quyền duy nhất trong ASEAN trong danh mục xếp hạng ‘BB’ đạt được đà xếp hạng tích cực vào năm 2021 và đây là sự phản ánh sức mạnh kinh tế và khả năng phục hồi của đất nước Việt Nam. Việc nuôi dưỡng các cơ hội tăng trưởng dài hạn, cải thiện động lực thương mại và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế mạnh hơn và sẽ đưa Việt Nam vào vị thế tốt hơn để đạt được xếp hạng đầu tư trong trung hạn.

 Môi trường đầu tư được cải thiện, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh: M.P)

Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam luôn nằm trong có xu hướng tốt lên

Tại Việt Nam, sau 35 năm đổi mới, môi trường hoà bình, ổn định chính trị, đảm bảo các cân đối vĩ mô vẫn là những yếu tố thuận lợi, tạo niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Môi trường đầu tư được cải thiện, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ tụt hậu, mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình còn lớn; trình độ khoa học, công nghệ, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, độ mở nền kinh tế cao, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu; mức độ tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, năng lực tiếp cận nền kinh tế số, xã hội số còn hạn chế.

Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn trong khi nguồn vốn nhà nước, vốn vay ưu đãi nước ngoài đều có xu hướng giảm. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đang tác động nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tới thu, chi, cân đối ngân sách nhà nước, tăng trưởng kinh tế có thể không đạt như dự kiến, nợ xấu hệ thống ngân hàng có thể gia tăng, không gian chính sách tài khóa có thể bị thu hẹp do huy động bổ sung các nguồn lực hỗ trợ chống dịch sẽ là những thách thức đối với triển vọng kinh tế vĩ mô và việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Từ năm 2013 đến năm 2021, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam luôn nằm trong có xu hướng tốt lên. Cụ thể là tăng từ B2 lên Ba3 theo đánh giá của Moody’s, từ BB- lên BB theo đánh giá của S&P và từ B + lên BB theo đánh giá của Fitch . Hiện tại, cả 3 tổ chức xếp hạng đều đánh giá Việt Nam có triển vọng tích cực và điều này phản ánh rất đúng về triển vọng tăng trưởng dài hạn cũng như sự phục hồi như kỳ vọng của nền kinh tế mặc dù phải chịu đựng những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

Theo ông Olivier Rousselet - Giám đốc Quốc gia của BNP Paribas Việt Nam và là Giám đốc điều hành của BNP Paribas Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, triển vọng tích cực giúp Việt Nam có một vị thế tốt hơn rất nhiều vào thời điểm hiện tại để hướng tới mục tiêu đạt mức xếp hạng đầu tư trong tương lai gần. Tuy nhiên, thường có thể mất từ 4-10 năm để đạt được mức xếp hạng đầu tư (BBB) từ mức xếp hạng BB. Thời gian nhanh hay chậm tùy thuộc vào các cải cách tổng thể về cơ cấu và kinh tế do chính phủ thực hiện.

Thực tế, từ những lần nâng hạng tín nhiệm trong suốt tám năm qua đã cho thấy, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá rất tích cực đối với các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đều nhất trí rằng, Việt Nam có một nền kinh tế tăng trưởng bền vững, tốc độ tăng trưởng GDP cao và khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Họ cũng đánh giá cao sự cải thiện về chỉ số nợ và khả năng chi trả nợ của chính phủ cũng như nền tài chính công ổn định của Việt Nam. Triển vọng tích cực này là minh chứng cho khả năng của Chính phủ trong việc ứng phó với tác động của COVID-19 và các chính sách của Chính phủ đang đi đúng hướng.

Đưa ra so sánh giữa Việt Nam với một số nền kinh tế mới nổi trong khu vực ASEAN và châu Á về khía cạnh xếp hạng tín nhiệm quốc gia, ông Olivier Rousselet cho biết, ở góc nhìn của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, để đạt được xếp hạng đầu tư, Việt Nam có thể cần tập trung nhiều hơn vào các yếu tố định tính hơn là các yếu tố định lượng. So sánh với một số tiêu chí xếp hạng của các nước trong khu vực thì một số tiêu chí mang tính định lượng của Việt Nam đã đạt được ở mức xếp hạng đầu tư. Tuy nhiên, một số tiêu chí, yêu cầu cho các quốc gia để đạt được xếp hạng đầu tư lại mang tính chất định tính và chủ quan. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng cần được thuyết phục về các yêu cầu bổ sung để nâng cấp Việt Nam lên vị thế đầu tư.

Chia sẻ quan điểm này, Ông Karby Leggett, Giám đốc Toàn cầu Khu vực công và các Tổ chức Phát triển, Ngân hàng Standard Chartered đánh giá, tôi tin rằng, việc chuyển hóa triển vọng tín nhiệm hiện tại ở mức tích cực thành các sự kiện nâng hạng tín nhiệm sẽ là bước đi tiếp theo của Việt Nam trong tiến trình nhằm đạt được mức xếp hạng Đầu tư. Trong ngắn hạn, các tổ chức xếp hạng có thể sẽ tập trung vào tiến trình nâng cao chất lượng hoạch định chính sách tài khóa của Chính phủ cũng như khả năng Việt Nam có thể duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ và vai trò quan trọng của quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nếu Việt Nam tiếp tục đạt được những bước tiến trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu này đến năm 2030 và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tiếp tục duy trì triển vọng tích cực đối với mức độ tín nhiệm của Viêt Nam thì việc đạt được mức xếp hạng Đầu tư là hoàn toàn khả thi. Các tổ chức tín dụng quốc tế cho biết yếu tố sẽ hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, bao gồm: duy trì mức tăng trưởng cao bền vững so với các quốc gia tương đồng khác thông qua tăng cường nguồn vốn đầu tư và củng cố vị thế tài chính đối ngoại. Cùng đó, tiếp tục cải thiện tình hình tài chính công thông qua ổn định nợ trung hạn và tăng thu ngân sách cũng như giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng từ hệ thống ngân hàng.

Mức triển vọng tích cực của Việt Nam hiện tại thể hiện sức khỏe tài khóa và kinh tế đang được nâng cao và tín hiệu cho thấy, hiêụ quả trong việc cải thiện các chính sách tiền tệ, tài khóa sẽ có thể hỗ trợ tích cực tới tiến trình nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam như các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đã nêu rõ.

Cần có sự cải cách mạnh mẽ về chính sách công

Theo ông Olivier Rousselet, các bước tiếp theo được đề xuất là Chính phủ cần có các cải cách mạnh mẽ trong các chính sách và khuôn khổ về hành chính công. Đồng thời, cải thiện khả năng dự đoán và tính minh bạch của quá trình ra quyết định chính sách của chính phủ. Các quốc gia có chủ quyền thường hợp tác chặt chẽ với các cơ quan đa phương như: Ngân hàng Thế giới và IMF để phát triển một khuôn khổ quản trị toàn diện và mạnh mẽ. Cùng với đó, xây dựng khuôn khổ phù hợp và minh bạch để thực thi chính sách tài khóa, tiền tệ một cách hiệu quả; thiết lập một khuôn khổ bền vững để phát triển một hệ thống ngân hàng mạnh mẽ và đáng tin cậy bên cạnh việc xây dựng một nền tảng thị trường vốn trong nước rộng lớn và đáng tin cậy.

Đặc biệt, cải thiện các tiêu chuẩn về thể chế và củng cố khuôn khổ thể chế và các yếu tố phát triển con người như: việc tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe…; tiếp tục cải thiện các chỉ số về tài khóa, tiền tệ, đối ngoại để bảo đảm có thêm các đánh giá tích cực từ tổ chức xếp hạng.

Đánh giá về triển vọng của Việt Nam trong việc đạt mức đầu tư đến năm 2030,  Giám đốc Quốc gia của BNP Paribas Việt Nam khuyến nghị, xếp hạng tín nhiệm quốc gia là một đánh giá khách quan và độc lập về mức độ tín nhiệm của một quốc gia. Việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia và đạt được xếp hạng đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho cả khu vực công và tư theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể, việc nâng hạng sẽ là một sự công nhận tích cực về sự phát triển kinh tế và chính trị của đất nước trong thập kỷ qua. Cùng đó, việc nâng hạng có thể làm giảm chi phí tài chính cho các hoạt động của Chính phủ và tăng khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Ngoài ra, quốc gia này có thể thu hút nhiều vốn FDI hơn vì xếp hạng tín nhiệm cao hơn sẽ làm tăng thêm niềm tin của nhà đầu tư. Nhìn chung, điều đó có nghĩa là đất nước có nhiều cơ hội hơn để phát triển lâu dài. Đối với khu vực tư nhân, xếp hạng tín nhiệm cao hơn sẽ cho phép quốc gia thiết lập một tiêu chuẩn huy động vốn và tín dụng mới và hiệu quả hơn về chi phí. Do đó, sẽ mang lại lợi ích cho các hoạt động huy động vốn của khu vực tư nhân.

Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán (Ảnh: thoibaotaichinh.com.vn)

Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam thì nhận định, kể từ khi Việt Nam gia nhập vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi cũng giảm dần và dự kiến sẽ kết thúc trong tương lai gần. Hơn nữa, với Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ như đã đề cập ở trên, nếu hoàn thành mục tiêu, Việt Nam có thể gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao trong vòng bốn hoặc năm năm nữa. Để có thể đạt triển vọng trong việc đạt mức “đầu tư” đến năm 2030, Việt Nam cần quan tâm đến việc mở rộng sự tiếp cận thị trường vốn quốc tế, vay thương mại quốc tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việc nâng xếp hạng tín nhiệm lên mức đầu tư của Việt Nam là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược. Điều này giúp cải thiện hiệu quả chi phí huy động vốn nước ngoài hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của Chính phủ và doanh nghiệp. Mặt khác, xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng là chỉ số tham khảo quan trọng, được đánh giá là đáng tin cậy, chuẩn mực và mang tính cập nhật cao mà nhiều tổ chức đầu tư và các nhà đầu tư quốc tế sử dụng trong quá trình xem xét, thẩm định.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, những nhóm vấn đề Việt Nam cần tập trung cải thiện để đạt được mục tiêu nâng xếp hạng tín nhiệm, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường đó là, các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô sẽ cần thêm các công cụ. Từ đó, dự báo và giảm thiểu những tác động tiêu cực bên ngoài để đảm bảo sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Về lộ trình thực hiện, ông Olivier Rousselet khuyến nghị, các đề xuất cần tập trung vào các yếu tố định tính như: cải thiện khả năng dự đoán và tính minh bạch trong việc đưa ra các chính sách của chính phủ và khuôn khổ các chính sách công; cung cấp một khuôn khổ vững chắc để củng cố khu vực tài chính và cải thiện chất lượng tài sản của họ. Đồng thời, tăng cường tính độc lập về hoạt động và chức năng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho phép thực thi chính sách tài khóa, tiền tệ một cách hiệu quả và minh bạch; cải thiện các tiêu chuẩn về thể chế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung vào nền kinh tế tăng trưởng bền vững và điều này có thể cho phép đất nước cải thiện GDP bình quân đầu người và thu hút FDI, đặc biệt là sau khi tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu theo COVID-19.

Việt Nam cũng cần tiếp tục tăng cường hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ và ổn định nợ. Điều này sẽ cải thiện tài chính công và giúp đạt được mục tiêu lạm phát thấp. Đồng thời, cần tiếp tục giảm thiểu rủi ro của các sự kiện tín dụng tiềm ẩn và duy trì các nghĩa vụ thanh toán kịp thời. Điều này sẽ thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, các tiêu chuẩn thể chế và chính sách hành chính mạnh mẽ sẽ rất hữu ích để phát triển một khuôn khổ minh bạch cho các công cụ để thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ một cách hiệu quả. Khả năng dự đoán và tính minh bạch trong khuôn khổ chính sách sẽ là chìa khóa cho Việt Nam trong việc vượt qua khủng hoảng. Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong thập kỷ qua và ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm đều đưa ra triển vọng tích cực về xếp hạng quốc gia của Việt Nam.

Minh Phương

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm