Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng mạnh
Trong 10 tháng năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tổng thu ngân sách đạt gần 90% dự toán.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có buổi họp thường kỳ tháng 10 năm 2024 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tháng 10 và một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 11 năm 2024.
Tham dự cuộc họp có Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các Phó Chủ tịch, các Ban, Sở, ngành, đại diện các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Trong 10 tháng năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được nhiều thành quả về kinh tế, xã hội |
Tại buổi họp đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, trong 10 tháng đầu năm 2024, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp; kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến đột phá hơn so với năm 2023. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, tài chính tăng trưởng so với cùng kỳ và cao hơn mức kế hoạch cả năm 2024.
Cụ thể, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tăng 15,34%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12,98%; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 18,48%; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 34,18%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 12,09%.
Kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí tăng 12,32%; kim ngạch nhập khẩu tăng 8,08%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,16%; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 1,02%; giá trị sản xuất ngư nghiệp tăng 3,75% ; tổng thu ngân sách đạt 89,99% dự toán (kế hoạch đề ra 88.600 tỷ đồng).
Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc và đạt kết quả rất ấn tượng đóng góp phần lớn vào tăng trưởng phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh, hầu hết các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều duy trì đà tăng trưởng cao như: Chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất, các sản phẩm từ hóa chất, sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học...
Trong 10 tháng năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 168,3% kế hoạch |
Việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giúp cụm cảng đón được những chuyến tàu lớn không phụ thuộc vào thủy triều; giá dịch vụ được điều chỉnh; khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng đã tác động làm doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng cao hơn mức kế hoạch cả năm 2024.
Lĩnh vực du lịch tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ với doanh thu dịch vụ lưu trú du lịch và doanh thu dịch vụ lữ hành tăng vượt chỉ tiêu đã đề ra.
Tình hình sản xuất nông nghiệp của nông dân tương đối ổn định. Các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản tiêu thụ thuận lợi, tốc độ tăng trưởng các ngành nông, lâm, thủy sản đều đạt so kế hoạch đề ra.
Tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước cấp mới và tăng thêm trên địa bàn tỉnh trong 10 tháng năm 2024 tăng gấp khoảng 1,86 lần so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt 95,95% kế hoạch; vốn đầu tư trong nước đạt 168,3% kế hoạch.
Các lĩnh vực văn hóa thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông... đều triển khai đầy đủ, kịp thời đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Chính trị - xã hội ổn định quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Bên cạnh những mặt đạt được nêu trên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tổng chi ngân sách trên địa bàn tăng 12,85% so với cùng kỳ nhưng chỉ đạt 61,02% dự toán. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công giải ngân 10 tháng năm 2024 cao hơn cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân 10 tháng năm 2024 (đạt 56,35%) thấp hơn cùng kỳ năm 2023...
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ yêu cầu các Ban, Sở ngành, địa phương tiếp tục rà soát, nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc để có giải pháp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được giao trong thời gian tới; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục thực hiện các dự án trọng điểm và đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch; tăng cường công tác phối, kết hợp giữa các sở, ngành, địa phương..