A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM từ 1-8

Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý, động lực để TP HCM phát triển nhanh, bền vững.

Quốc hội vừa chính thức ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Nghị quyết này được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua.

Áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM từ 1-8 - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM tại kỳ họp thứ 5

Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền TP và TP Thủ Đức.

Về quản lý đầu tư, Nghị quyết cho phép HĐND TP HCM quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao UBND TP ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP HCM thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm.

TP HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); được tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định tại Luật Đầu tư, Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa.

Thành phố được áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (sau đây gọi là hợp đồng BOT) đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao.

Về tài chính, ngân sách nhà nước, HĐND TP HCM được quyết định áp dụng trên địa bàn mức phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án và các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%;

Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP. TP được thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù khác liên quan đến vấn đề này.

Áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM từ 1-8 - Ảnh 3.

TP HCM được kỳ vọng sẽ bứt phá với hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù vừa được Quốc hội thông qua

Nghị quyết cho phép sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách, chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định tại Nghị quyết này. 

Nghị quyết số 98 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2023. Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; sơ kết 3 năm việc thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2028.

TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.

Về quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, TP HCM được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù trong việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha. Bên cạnh đó là các cơ chế về thực hiện đầu tư các dự án nhà ở xã hội.

UBND TP xây dựng, trình HĐND TP thông qua và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của TP để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất) trong trường hợp bảng giá đất đã thu thập thông tin thị trường và xây dựng đến từng thửa đất để áp dụng

Đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng BT trước ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư thì việc sử dụng quỹ đất do Nhà nước quản lý thuộc trường hợp sắp xếp lại, xử lý tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư

Nghị quyết cũng quy định các cơ chế, chính sách đặc thù về việc thực hiện thu hồi đất của một số dự án tại TP; Việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.

Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP, Nghị quyết đã quy định danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược. Quy định các nhà đầu tư chiến lược sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Nghị quyết cũng nêu rõ các nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược.

Về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, Nghị quyết đưa ra các cơ chế, chính sách đặc thù về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân...

Bên cạnh đó, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu.

Về tổ chức bộ máy chính quyền của TP, Nghị quyết cho phép HĐND TP thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. UBND huyện thuộc TP có không quá 3 phó chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thì UBND dân phường, xã, thị trấn có không quá 3 phó chủ tịch.

Chủ tịch UBND TP được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và quy định rõ trách nhiệm của người ủy quyền và người được ủy quyền, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

HĐND TP căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.

Nghị quyết cho phép HĐND TP quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn, người lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù và một số cơ quan trung ương trên địa bàn, theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm không vượt quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý.

Nghị quyết cũng đã quy định về tổ chức bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức. Trong đó, UBND TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức được phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn trực thuộc, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc, UBND các phường, Chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền. Nghị quyết cũng quy định một số thẩm quyền khác của HĐND TP Thủ Đức.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm