A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

5 định hướng lớn đưa quan hệ Việt Nam - Brazil lên tầm cao mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ 5 định hướng lớn để thúc đẩy hợp tác, đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự tọa đàm và có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Bộ Ngoại giao Brazil, chiều 25/9 theo giờ địa phương.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng tập trung trình bày 3 nội dung chính: (1) Việt Nam đã đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc thế nào? (2) Quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam; (3) Quan hệ Việt Nam - Brazil và định hướng thúc đẩy hợp tác, đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Trong đó, nhấn mạnh những kết quả Việt Nam đạt được, Thủ tướng khẳng định, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã thực hiện đường lối Đổi mới, mở cửa, hội nhập và vươn lên đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Về kinh tế, GDP bình quân đầu người tăng từ dưới 100 USD lên khoảng 4.100 USD, Việt Nam vào top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới và top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút FDI. Năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02%; quy mô đạt gần 410 tỷ USD; tổng kim ngạch thương mại đạt trên 732 tỷ USD. Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với 100 triệu dân, một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của bạn bè quốc tế. Việt Nam đứng thứ 32 trên top 100 giá trị thương hiệu quốc gia cao nhất thế giới giai đoạn 2020 - 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Bộ Ngoại giao Brazil - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Bộ Ngoại giao Brazil - Ảnh: VGP

Từ đầu năm 2023 đến nay, trước tình hình thế giới có nhiều khó khăn, Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm trọng điểm và các chính sách khác.

Việt Nam đạt được mục tiêu tổng quát: Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát trong giới hạn an toàn. Xu hướng chung là tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.

Cùng với những kết quả về kinh tế, chính trị - xã hội ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn dưới 2%. An sinh xã hội trong đại dịch COVID-19 được bảo đảm, không có ai bị bỏ lại phía sau. Độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quốc phòng, an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Về đối ngoại, hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia; hơn 30 đối tác có quan hệ từ Đối tác toàn diện trở lên; đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP).

Đặc biệt, Việt Nam từ chỗ phải thông qua Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris để lập lại hoà bình đã trở thành nơi tổ chức cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump năm 2019. Từ nước phải nhận viện trợ, Việt Nam trở thành đối tác tin cậy, đóng góp trách nhiệm và chủ động đảm đương các trọng trách quốc tế.

Việt Nam cũng là hình mẫu quan hệ với Liên Hợp Quốc, hoàn thành nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ và Mục tiêu Phát triển Bền vững; cam kết mạnh mẽ về đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

"Nhiều quốc gia đánh giá Việt Nam là hình mẫu về khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Hình mẫu Việt Nam cho thấy "không có gì là không thể trong quan hệ quốc tế" để tìm đến hòa bình, hợp tác và phát triển. Chúng tôi đã chịu quá nhiều hy sinh, mất mát do chiến tranh nên rất yêu chuộng hòa bình. Chúng tôi mong muốn và kêu gọi tất cả các dân tộc, các nước cần đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để ứng phó những vấn đề mang tính toàn cầu, mang tính toàn dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Dành nhiều thời gian phân tích về những nét tương đồng và quan hệ Việt Nam – Brazil, Thủ tướng cho rằng, nằm ở hai bán cầu, nhưng Việt Nam và Brazil có quan hệ gắn bó mật thiết, chia sẻ nhiều điểm tương đồng - Ảnh: VGP
Dành nhiều thời gian phân tích về những nét tương đồng và quan hệ Việt Nam – Brazil, Thủ tướng cho rằng, nằm ở hai bán cầu, nhưng Việt Nam và Brazil có quan hệ gắn bó mật thiết, chia sẻ nhiều điểm tương đồng - Ảnh: VGP

Thủ tướng chia sẻ 5 định hướng lớn để thúc đẩy hợp tác, đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới trong thời gian tới. Theo đó, tăng cường xây dựng quan hệ giữa lãnh đạo hai nước, nhất là thông qua các chuyến thăm cấp cao và tiếp xúc tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, phát huy mạnh mẽ vai trò của kênh đối ngoại Nhà nước, Nghị viện, các chính đảng.

Thứ hai, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực hợp tác trọng tâm mà Thủ tướng và Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã thống nhất trong chuyến thăm, đó là hợp tác về chính trị, ngoại giao, hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, hợp tác về văn hoá, thể thao, du lịch, hợp tác về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo, hợp tác lao động, giao lưu nhân dân, hợp tác về các ngành mới nổi: Trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, chuyển đổi số, thương mại điện tử, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, ứng phó biến đổi khí hậu…, hợp tác về quốc phòng, an ninh, hợp tác về các vấn đề đa phương, tại các diễn đàn đa phương…

Thứ ba, Việt Nam mong muốn Brazil thúc đẩy sớm khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - MERCOSUR. Việt Nam và Brazil sẽ là cầu nối đắc lực của nhau trong hợp tác với ASEAN và MERCOSUR, giữa ASEAN với MERCOSUR cũng như các tổ chức khu vực khác.

‎Thứ tư, đẩy mạnh kết nối du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, tăng cường trao đổi giữa các địa phương, các tổ chức hữu nghị hai nước để thắt chặt tình cảm hữu nghị, sự hiểu biết giữa hai dân tộc.

Thứ năm, Việt Nam mong muốn Brazil tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy các giá trị phát triển tại các diễn đàn toàn cầu. Brazil là một nền kinh tế đầy năng động, một thành viên tích cực của các nước phương Nam sẽ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm thành công trong thúc đẩy các giá trị phát triển tại các diễn đàn, tổ chức đa phương như G20, BRICS, G77.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả 33 nước trong khu vực Mỹ Latinh. Thủ tướng mong muốn hai bên làm cầu nối để hai khu vực ASEAN và Mỹ Latinh tăng cường liên kết, hợp tác; Việt Nam sẵn sàng phát huy vai trò cầu nối hợp tác mạnh mẽ giữa ASEAN với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và các tổ chức khu vực khác tại Mỹ Latinh.

Thủ tướng chia sẻ với các đại biểu rằng, "nhìn về triển vọng trong vài thập kỷ tới, chúng ta tin rằng mối quan hệ Việt Nam - Brazil sẽ ngày càng đơm hoa kết trái. Việt Nam và Brazil đang đứng trước những cơ hội lớn để hướng tới tầm vóc quan hệ cao hơn trong tương lai, vì sự phát triển thịnh vượng và lợi ích của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Brazil từ ngày 23 - 25/9/2023,theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham gia Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Chính phủ thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Brazil và có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm