EuroCham ủng hộ việc tiếp tục phát triển năng lượng sạch với chi phí thấp tại Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ghi nhận sự tăng trưởng về nhu cầu năng lượng sạch từ các công ty tiêu thụ điện, đặc biệt là các công ty quốc tế quy mô lớn đã thành lập hoặc đang tìm cách đặt cơ sở tại Việt Nam và đang tìm kiếm nguồn năng lượng sạch cho doanh nghiệp của mình.
Ngày 16/1, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ấn bản Sách Trắng thường niên lần thứ 15. Sách Trắng 2024 của EuroCham Việt Nam có chủ đề "Thúc đẩy đầu tư cho một nền kinh tế xanh và bền vững" cung cấp cái nhìn sâu sắc về chính sách kinh doanh của Việt Nam từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Đây là một bản tóm tắt đưa ra những khuyến nghị nhằm khuyến khích các ưu tiên đầu tư và thương mại nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Ấn phẩm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, học giả cùng các bên liên quan khác của Việt Nam và châu Âu góc nhìn thực tế về những vấn đề kinh tế quan trọng.
Sự phân tích và các nội dung cập nhật về chính sách được đề xuất nhằm hỗ trợ đối thoại song phương về các xu hướng, thách thức cũng như cơ hội trong những lĩnh vực như tính bền vững, số hóa, tài chính và cơ sở hạ tầng. Sách Trắng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các sáng kiến và chiến lược đầu tư trong tương lai giữa Việt Nam và châu Âu.
Trong chương 8 của Sách Trắng 2024 mang tên Ngành năng lượng và điện lực, EuroCham ghi nhận sự tăng trưởng về nhu cầu năng lượng sạch từ các công ty tiêu thụ điện, đặc biệt là các công ty quốc tế quy mô lớn đã thành lập hoặc đang tìm cách đặt cơ sở tại Việt Nam và đang tìm kiếm nguồn năng lượng sạch cho doanh nghiệp của mình.
Lĩnh vực năng lượng mặt trời, năng lượng gió của Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng nhanh chóng và ấn tượng với việc mở rộng quy mô lắp đặt điện mặt trời trong nước, ước cung cấp khoảng 27% tổng công suất sản xuất điện của cả nước vào cuối năm 2020, đạt 16.500MW điện mặt trời tính đến thời điểm này.
Chi phí sản xuất năng lượng sạch đã giảm khi thị trường có những dự án với quy mô lớn hơn và công nghệ được cải tiến. Cùng với việc tăng quy mô là tăng hiệu quả, chi phí trên một đơn vị cũng có thể giảm xuống. Song song đó, tiến bộ công nghệ dựa trên các giải pháp đã được kiểm tra và thử nghiệm có thể cung cấp năng lượng tái tạo một cách hiệu quả với mức rủi ro thấp, cho phép nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất năng lượng. Khi thị trường có thể kiểm soát và giảm thiểu rủi ro cho nhà phát triển và người tiêu dùng trong các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, năng lượng tái tạo có thể trở thành lựa chọn rẻ nhất trên thị trường toàn cầu.
Quan sát từ một số thị trường trên thế giới đã ủng hộ và cung cấp nền tảng ổn định để hình thành, phát triển năng lượng tái tạo cho thấy giá thành sản xuất năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện, đặc biệt là thủy điện và điện gió ngoài khơi thuộc vào hạng thấp nhất khi so sánh với năng lượng hóa thạch…
Sách Trắng nêu: Có thể nhìn thấy lợi ích kinh tế của xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam khi các công ty cung cấp điện năng lượng mặt trời mái nhà có thể cung cấp cho người tiêu dùng sản xuất điện với giá rẻ hơn so với biểu giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Giảm chi phí vận hành là một lợi ích quan trọng đối với các nhà sản xuất và chúng tôi rất ủng hộ việc tiếp tục phát triển năng lượng sạch với chi phí thấp tại Việt Nam. Việc thúc đẩy kênh tiêu thụ năng lượng tái tạo trực tiếp mới cũng có thể giảm áp lực về nhu cầu nâng cấp hệ thống truyền tải của EVN. Từ đó, người sử dụng điện có thể mua điện được sản xuất trực tiếp từ các nguồn năng lượng tái tạo thông qua hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA), là nền tảng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và tránh tác động cũng như sự phụ thuộc vào hệ thống truyền tải điện khu vực và quốc gia.
Điện sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm không khí, nước và đất nhiều hơn so với điện được sản xuất từ bất kỳ nguồn nào khác và chịu tác động lớn bởi biến động giá than toàn cầu. Trước mắt, việc lắp đặt thêm các bộ lọc trong các nhà máy nhiệt điện than sẽ làm giảm lượng khí thải vốn phải được xử lý cẩn thận. Tuy nhiên, trong trung hạn, việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong nước và nghiêm túc tham gia vào việc sử dụng năng lượng có hiệu quả dường như sẽ tiết kiệm, an toàn và bền vững về mặt chiến lược hơn.
Tiến Đạt