Đẩy mạnh triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Trong những năm qua, với sự đồng lòng vào cuộc của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, công tác thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Kiến Xương đã đạt được những kết quả nhất định. Qua đó, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo địa phương.
Nhiều mô hình được huyện Kiến Xương triển khai đã thực sự phát huy hiệu quả thiết thực; ý thức về phân loại rác tại nguồn của các hộ dân đã được nâng cao. Ảnh: TT
Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 98%
Thực tế cho thấy, những năm qua, với tốc độ đô thị hóa nhanh cùng việc gia tăng dân số khiến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Kiến Xương ngày càng tăng cao.
Theo số liệu, đến năm 2024, trung bình mỗi ngày huyện phát sinh khoảng 109,4 tấn rác thải sinh hoạt. Đáng nói, hiện tại, hệ thống quản lý chất thải rắn trên địa bàn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân đến từ việc các lò đốt rác thải đã xuống cấp, hỏng hóc, từ đó, hiệu suất xử lý giảm; nguồn lực cho công tác quản lý chất thải rắn còn hạn chế...
Trước thực tế đó, bám sát chỉ đạo, UBND huyện Kiến Xương đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 20/5/2024 về triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện.
Đồng thời, hàng năm xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; triển khai thực hiện xuống tất cả các xã, thị trấn theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật và thực tế của từng đơn vị.
Cùng với nỗ lực của địa phương, những năm qua, huyện Kiến Xương cũng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh Thái Bình và các sở, ban, ngành trong tỉnh. Điển hình như Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt và trao thùng ủ rác hữu cơ cho xã Bình Định.
Hội viên Chi hội Phụ nữ thôn An Cơ Đông, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương phân loại rác thải để bán cho các đơn vị thu mua. Ảnh: TD
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với xã Quốc Tuấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng mô hình điểm: “Tự quản về bảo vệ môi trường; tạo dựng cảnh quan và thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình giai đoạn 2021 - 2025”, thực hiện điểm với 100 hộ dân tại thôn Đắc Chúng Nam. Qua đó, mỗi hộ được phát 2 thùng nhựa 20 lít khác màu để phân loại rác thải, được hướng dẫn cách ủ rác…
Đặc biệt, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn trong huyện đã triển khai mô hình “Biến rác thải thành tiền”. Với mô hình này, hội viên hội phụ nữ thôn sẽ thực hiện phân loại đối với rác thải tái chế, định kỳ góp cho Chi hội phụ nữ thôn bán để gây quỹ ủng hộ phụ nữ, trẻ em nghèo và mua thùng rác, chế phẩm cho các gia đình để nhân rộng mô hình. Qua hoạt động này, số tiền thu được năm 2023 gần 284 triệu đồng; 10 tháng năm 2024 là gần 249 triệu đồng.
Đồng hành cùng với Nhân dân, hàng năm UBND huyện Kiến Xương đã thực hiện trích kinh phí chi sự nghiệp môi trường để hỗ trợ các xã mua dụng cụ, thực hiện phân loại rác thải; UBND các xã cũng đồng loạt triển khai và ra mắt mô hình “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”…
Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Định, huyện Kiến Xương triển khai mô hình "Biến rác thải thành tiền". Ảnh: PT
Quá trình triển khai cho thấy, các mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả thiết thực; ý thức về phân loại rác tại nguồn của các hộ dân đã được nâng cao. Đáng nói, với việc biến rác thải hữu cơ thành phân vi sinh bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học đã giúp người dân giảm chi phí đầu tư sản xuất, tiết kiệm chi phí mua phân bón hóa học khi bón lót cho cây trồng, đất đai được cải tạo một cách tự nhiên và bền vững.
Ngoài ra, việc thực hiện các mô hình đã góp phần giảm tải cho công tác thu gom rác thải tại các thôn, xã. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Kiến Xương đạt 51,25%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 98%.
Cần sự đồng lòng của mọi tổ chức, mọi gia đình và mỗi người dân
Những năm qua, bên cạnh kết quả đáng khích lệ, công tác thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn tại nguồn ở Kiến Xương vẫn còn có những khó khăn, tồn tại. Điển hình như, việc tuyên truyên, vận động của một số xã đạt hiệu quả chưa cao, nhiều hộ gia đình chưa thực hiện phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Bên cạnh đó, còn tình trạng tổ thu gom đổ rác thải tại bãi chôn lấp chưa đảm bảo quy định, chưa thực hiện san gạt thường xuyên; hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại còn thiếu và không đồng bộ.
Chính từ ý nghĩa của mô hình “Biến rác thải thành tiền” mà việc phân loại, thu gom phế liệu được lan tỏa rộng khắp trên địa bàn huyện Kiến Xương. Ảnh: PT
Phân tích nguyên nhân của những hạn chế trên, UBND huyện Kiến Xương cho rằng, do một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền chưa quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành trong việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Cán bộ làm công tác quản lý môi trường ở cấp huyện ít (1 cán bộ); cán bộ ở cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên môn. Cùng với đó, là thói quen, ý thức của nhiều người dân, hộ gia đình chưa hiểu hết được giá trị của môi trường…
Từ thực tế đó, thời gian tới, UBND huyện Kiến Xương sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác này; yêu cầu các cấp, ngành có biện pháp quyết liệt để huy động mọi nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; đảm bảo các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý đồng bộ và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về tác động, ý nghĩa, trách nhiệm của việc phân loại rác tại nguồn và nguy cơ xảy ra nếu không phân loại để người dân hiểu, thực hiện. Gắn công tác này với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh trên địa bàn huyện. Giảm thiểu, hạn chế tới mức thấp nhất lượng chất thả mang đi xử lý, chôn lấp; tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt; giảm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; giảm diện tích đất chôn lấp...
Quá trình phát triển, huyện Kiến Xương luôn xác định, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi người dân trên địa bàn. Huyện mong muốn, có sự tham gia, tích cực chung tay của mọi tổ chức, mọi gia đình và mỗi người dân, chỉ có như vậy thì công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn mới thực sự đem lại hiệu quả thiết thực.