Bản tin năng lượng số 7/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Siemens đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; hợp tác chuyển đổi xanh, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là sản xuất turbine điện gió…
Đề nghị Siemens đẩy mạnh hợp tác phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo
Mới đây, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức) đang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị Siemens đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; hợp tác chuyển đổi xanh, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là sản xuất turbine điện gió; hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải (như sản xuất xe điện…); hợp tác chuyển đổi số, xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển của Siemens tại Việt Nam, hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam...
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens
Chủ tịch Tập đoàn Siemens Roland Busch đánh giá cao các mục tiêu của Việt Nam trong chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt.
Theo ông Roland Busch, Siemens đang tích cực hợp tác và mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực và nội dung mà Thủ tướng đã đề cập như công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, tốc độ cao… bao gồm hợp tác đào tạo nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra toàn cầu.
Dự kiến Nhà máy điện rác Phú Sơn sẽ chính thức vận hành vào tháng 3/2024
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cùng các sở, ban, ngành liên quan mới đây đã tới kiểm tra hoạt động Nhà máy điện rác Phú Sơn tại thị xã Hương Thủy. Dự kiến, nhà máy sẽ chính thức vận hành vào tháng 3/2024.
Báo cáo tình hình thực hiện dự án, đại diện Công ty TNHH năng lượng môi trường EB Thừa Thiên Huế cho biết, dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn, tỉnh Thừa Thiên Huế được khởi công xây dựng từ cuối năm 2021, có tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch khoảng 11,234ha (bao gồm bãi chôn lấp tro bay, trạm phát điện và các công trình phụ trợ khác) tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy. Dự án có công suất xử lý rác thải sinh hoạt 600 tấn/ngày, có thể tạo ra 12MW/h năng lượng xanh; sau khi hoàn thành xây dựng xong, mỗi năm sẽ xử lý khoảng 220.000 tấn rác thải sinh hoạt và có thể cung cấp khoảng 93 triệu kWh điện xanh.
Trong quá trình vận hành thử nghiệm, kể từ ngày 1/9/2023 đến ngày 18/2/2024, đơn vị đã nhập vào xưởng tổng lượng rác là 43.422,88 tấn; khối lượng rác đưa vào lò đốt là 28.299,5 tấn. Lượng điện phát ra là 14.636.300 kWh, lượng điện truyền tải lên lưới là 12.497.800 kWh…
Cũng theo đại diện nhà máy, khí thải, nước thải đã thực hiện quan trắc theo giấy phép môi trường được phê duyệt. Kết quả các đợt quan trắc đều đạt QCVN theo quy định, trong đó, số liệu quan trắc khí thải đã truyền online về Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế để theo dõi, giám sát.
Dự kiến, Nhà máy điện rác Phú Sơn sẽ chính thức vận hành vào tháng 3/2024
Sau khi kiểm tra dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương nhấn mạnh, Nhà máy điện rác Phú Sơn là một trong những dự án đầu tiên tại địa phương đưa công nghệ tiên tiến vào giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt phát sinh, tạo ra nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường. Đồng thời, dự án cũng góp phần giúp thành phố Huế tiếp cận với công nghệ xử lý hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường sống, đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch chung về xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố.
Để nhà máy chính thức hoạt động, dự kiến vào tháng 3/2024, ông Phan Quý Phương yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, đúng quy định trong quá trình vận hành thử nghiệm nhà máy. Đồng thời chủ động khắc phục những tồn tại, hạn chế phát trong quá trình vận hành thử nghiệm; sớm hoàn thiện một số thủ tục, hạng mục còn lại để đưa vào vận hành chính thức trong thời gian tới.
Hợp tác để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền
Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Công ty CP Shinec vừa diễn ra tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng.
Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II do USAID tài trợ sẽ hợp tác để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền
Theo nội dung thỏa thuận, Chương trình USAID V-LEEP II sẽ thiết kế chương trình đào tạo theo chủ đề được thống nhất giữa hai bên để hỗ trợ hoạt động phát triển những hệ thống năng lượng tiên tiến.
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng mô hình kinh doanh để phát triển những dự án năng lượng sạch tiên tiến trong tương lai tại các khu công nghiệp của Shinec. Chương trình cũng sẽ cung cấp các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho nhân viên của Shinec về những chủ đề khác nhau, liên quan đến phát triển năng lượng sạch tiên tiến mà Shinec quan tâm.
Tại lễ ký kết, ông John Harris, Phó Giám đốc, Phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường của USAID cho biết, Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ (USAID V-LEEP II) hỗ trợ Việt Nam tiếp tục quá trình chuyển đổi sang một nền năng lượng theo hướng sạch, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và dựa trên các nguyên tắc thị trường. Thông qua việc tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành năng lượng và thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng.
Ngân Hà