Bản tin năng lượng số 47/2023
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi đã trao đổi biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyển đổi năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (Bộ METI).
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập khuôn khổ hợp tác về chuyển đổi năng lượng
Cụ thể, theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân từ ngày 26 – 30/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi vừa trao đổi biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyển đổi năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ METI Nishimura Yasutoshi với mục tiêu thiết lập khuôn khổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Nhật Bản để thực hiện chuyển dịch năng lượng, sử dụng tất cả các nguồn năng lượng, công nghệ sẵn có trong năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, sử dụng hydro, ammoniac, biomass cho sản xuất điện, sử dụng và lưu trữ carbon, tái chế carbon, nhiên liệu sinh học, khí mê-tan và LNG trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.
Ảnh minh họa
Biên bản ghi nhớ hợp tác là cơ sở quan trọng để hai bên thiết lập cơ chế phối hợp xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng trung hòa carbon, nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng và công nghệ góp phần tạo ra nguồn năng lượng thiết thực, nghiên cứu các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và một số lĩnh vực khác do hai bên thống nhất quyết định. Biên bản ghi nhớ hợp tác cũng là cơ sở để Việt Nam tận dụng hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ nguồn ngân quỹ 10 tỷ USD mà Nhật Bản cam kết hỗ trợ cho việc chuyển dịch năng lượng của các nước ASEAN nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Việc hai bên ký kết và cùng triển khai biên bản ghi nhớ trong thời gian tới sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam theo hướng bền vững, hướng tới đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam.
Công bố Cẩm nang công nghệ sản xuất điện và lưu trữ điện năng Việt Nam 2023
Mới đây, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức Lễ công bố Cẩm nang công nghệ sản xuất điện và lưu trữ điện năng Việt Nam 2023 theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (gọi tắt là Chương trình DEPP3) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch thực hiện hợp phần 1 nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam nâng cao năng lực về quy hoạch ngành năng lượng dài hạn, với các nhóm hoạt động chính như: xây dựng cơ sở dữ liệu, mô hình hóa và phân tích chuyên sâu các kịch bản năng lượng dài hạn, hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Công bố Cẩm nang công nghệ sản xuất điện và lưu trữ điện năng Việt Nam 2023
Một trong các sản phẩm quan trọng của chương trình là xây dựng Cẩm nang công nghệ sản xuất điện và lưu trữ điện năng cho Việt Nam, trong đó cung cấp dữ liệu mới nhất và có độ tin cậy cao về các công nghệ phát điện và lưu trữ điện năng, nhằm phục vụ cho công tác mô hình hóa dài hạn và phân tích hệ thống điện/năng lượng, tạo cơ sở để xây dựng hiệu quả các chính sách năng lượng cho Việt Nam.
Ấn phẩm đầu tiên của Cẩm nang công nghệ sản xuất điện và lưu trữ điện năng Việt Nam được ban hành năm 2019, ấn phẩm thứ hai được ban hành năm 2021 và đều được đánh giá cao.
Trong kế hoạch hoạt động của Chương trình DEPP3 năm 2022 và 2023, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tiếp tục phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch cập nhật bổ sung Cẩm nang công nghệ ngành điện Việt Nam bao gồm 2 ấn phẩm: Cẩm nang công nghệ sản xuất điện trong đó có bổ sung công nghệ điện hạt nhân và cập nhật dữ liệu một số công nghệ phát điện trong ấn phẩm 2021; Cẩm nang công nghệ lưu trữ điện năng, nhiên liệu tái tạo và chuyển đổi từ điện năng sang các dạng năng lượng khác (gọi tắt là Power-to-X).
Các cẩm nang công nghệ này sẽ hỗ trợ cung cấp nguồn dữ liệu công nghệ đầu vào quan trọng phục vụ không chỉ cho việc xây dựng Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2023 mà còn được kỳ vọng sẽ là công cụ đắc lực trong việc lập và triển khai thực hiện các quy hoạch năng lượng/quy hoạch điện như Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia cùng những quy hoạch có liên quan khác nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững.
Cấp giấy phép môi trường cho Nhà máy điện rác Sóc Sơn
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 457/GPMT-BTNMT cấp giấy phép môi trường cho Nhà máy điện rác Sóc Sơn thuộc khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Hà Nội).
Theo quyết định được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty CP Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của Nhà máy điện rác Sóc Sơn địa chỉ tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) và thay thế cho giấy phép môi trường số 376/GPMT-BTNMT ngày 27/12/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho doanh nghiệp.
Theo đó, công suất xử lý rác thải sinh hoạt là 4.000 tấn/ngày đêm (gồm 5 lò đốt, công suất 800 tấn/ngày đêm/lò đốt; lượng rác tiếp nhận 5.000 tấn rác/ngày đêm; lượng rác đưa vào lò đốt 4.000 tấn rác/ngày đêm). Công suất phát điện 90 MW (gồm 3 tổ máy; công suất 30 MW/1 tổ máy; trong đó đã bao gồm công suất phát điện dự phòng 15MW). Tổng diện tích dự án là hơn 17,5ha.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường cho Nhà máy điện rác Sóc Sơn
Công ty CP Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội có trách nhiệm vận hành thường xuyên, đúng quy trình các công trình xử lý chất thải bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; quản lý chất thải theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi chất ô nhiễm, tiếng ồn, độ rung không đạt yêu cầu cho phép tại giấy phép này và phải dừng ngay việc xả khí thải, nước thải, phát sinh tiếng ồn, độ rung để thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định của pháp luật…
Ngân Hà