A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 44/2023

Theo báo cáo mới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế 10 tháng năm 2023, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 234,13 tỷ kWh, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 10 tháng năm 2023, sản lượng điện toàn hệ thống tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước

Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 10/2023 đạt 24,28 tỷ kWh (trung bình 783,2 triệu kWh/ngày), tăng 11,3% so với cùng kỳ tháng 10 năm 2022. Lũy kế 10 tháng năm 2023, sản lượng toàn hệ thống đạt 234,13 tỷ kWh, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện như sau:

Thủy điện: 66,74 tỷ kWh, chiếm 28,5%.

Nhiệt điện than: 107,74 kWh, chiếm 46%.

Tuabin khí: 22,9 tỷ kWh, chiếm 9,8%.

Nhiệt điện dầu: 1,23 tỷ kWh, chiếm 0,5%.

Năng lượng tái tạo: 31,58 tỷ kWh, chiếm 13,5% (trong đó điện mặt trời đạt 22,35 tỷ kWh, điện gió đạt 8.52 tỷ kWh).

Điện nhập khẩu: 3,56 tỷ kWh, chiếm 1,5%.

Lũy kế 10 tháng năm 2023, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 234,13 tỷ kWh, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước

Trong 10 tháng năm 2023, điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 97,48 tỷ kWh, chiếm 41,63% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.

Theo EVN, tháng 11/2023, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 763,5 triệu kWh/ngày, tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân dự kiến vẫn tiếp tục được đảm bảo, đặc biệt là phục vụ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 9/11/2023

Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 8/11/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 9/11/2023.

Ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Theo tính toán, chi phí sản xuất điện năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao, giá thành điện năm 2023 tiếp tục cao hơn năm 2022. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh.

Ảnh minh họa

Để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 8/11/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 9/11/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Ngày 8/11/2023, Bộ Công Thương có Quyết định số 2941/QĐ-BCT ngày 8/11/2023 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.

Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2022 cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia

Tiếp tục thực hiện chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, ngày 8/11, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm.

Thông tin về vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa về việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

Về cơ bản, an ninh năng lượng được đảm bảo. Tuy nhiên, trong năm nay đã xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 và năm ngoái thì thiếu xăng dầu, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

Chính phủ chỉ đạo kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia. (Ảnh minh họa)

Mặc dù tổng công suất nguồn đạt trên 70 nghìn MW; nhu cầu thực tế chỉ cần khoảng 52 nghìn MW nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ khu vực miền Bắc.

Nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, do nắm tình hình, xây dựng kế hoạch truyền tải, điều độ và khâu phân phối. Trong đó việc đầu tư phát triển mạng lưới truyền tải, phân phối điện chưa được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài; công tác điều độ điện lực có những hạn chế, bất cập; phân bổ nguồn điện nền giữa các vùng miền chưa hợp lý…

Chính phủ chỉ đạo kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia bao gồm:

Khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; rà soát, hoàn thiện thể chế cho phát triển công nghiệp điện tái tạo theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.

Nâng cao hiệu quả các khâu truyền tải, điều độ và phân phối, trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây 500kV từ miền Trung ra miền Bắc.

Sớm hoàn thiện thị trường mua bán điện cạnh tranh, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện áp mái tự sản, tự tiêu.

Triệt để tiết kiệm điện trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Bảo đảm đủ xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm