A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 28/2024

Mới đây, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với ông Yamada Takio, cố vấn Bộ Ngoại giao, Đại sứ phụ trách Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC) của Chính phủ Nhật Bản.

Việt Nam hợp tác triển khai các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến AZEC

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc hiện thực hóa AZEC cần được thể hiện qua những dự án cụ thể như nâng cao hiệu quả, giảm phát thải của các nhà máy thiệt điện than; chuyển từ sử dụng than, dầu sang các loại nhiên liệu khí tự nhiên; đầu tư điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, thủy điện tích năng, điện sinh khối, điện rác… nhằm thực hiện mục tiêu trung hòa carbon, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta cần trao đổi những nội dung cụ thể, khả thi và bắt tay vào làm, lấy hợp tác của doanh nghiệp làm trung tâm. Các dự án năng lượng trong khuôn khổ AZEC cần tiếp cận theo cơ chế thị trường, bảo đảm cung cấp, sử dụng năng lượng hiệu quả, trung hòa carbon, thực hiện Net Zero.

Về lộ trình triển khai Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Phó Thủ tướng mong muốn các đối tác Nhật Bản và Việt Nam hợp tác chặt chẽ trong hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, chia sẻ, chuyển giao công nghệ sản xuất, vận chuyển, sử dụng hydro, amoniac từ điện mặt trời, điện gió ngoài khơi; áp dụng giải pháp công nghệ mới nhằm tăng công suất các nhà máy thủy điện, thân thiện với môi trường; hình thành thị trường tín chỉ carbon quốc tế nhằm tạo dòng tài chính xanh bù đắp chi phí đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với ông Yamada Takio, cố vấn Bộ Ngoại giao, Đại sứ phụ trách Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC) của Chính phủ Nhật Bản. (Ảnh: VGP)

Theo ông Yamada Takio, toàn thể Chính phủ Nhật Bản và các bên liên quan đang nỗ lực thúc đẩy AZEC. Trong đó, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) đang đề xuất những dự án cụ thể, cùng cam kết hỗ trợ toàn diện cho việc triển khai AZEC.

Nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất để thực hiện AZEC, ông Yamada Takio đã đề xuất danh mục một số dự án điện khí, điện năng lượng tái tạo, hạ tầng truyền tải… khả thi để hai bên thúc đẩy tốc độ triển khai với sự tham gia của tập đoàn, ngân hàng lớn của Nhật Bản.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cùng với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã thành lập nhóm công tác xúc tiến AZEC với một số mục tiêu hỗ trợ như: chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh tại các nhà máy phát điện sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam; sản xuất điện năng lượng tái tạo như phát triển điện mặt trời mái nhà, điện gió ngoài khơi, điện rác, điện sinh khối; hệ thống điện và thị trường điện như thúc đẩy cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), đa dạng thị trường điện bao gồm bán buôn và bán lẻ.

Tập trung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và Pháp

Tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long mới đây đã tiếp và làm việc với ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam. Đại sứ Olivier Brochet khẳng định, Pháp luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và năng lượng. Đại sứ bày tỏ mong muốn tập trung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bởi đây là lĩnh vực đầy tiềm năng và rất quan trọng để Pháp và Việt Nam phát triển nền kinh tế hài hòa với môi trường.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long ghi nhận những cam kết hỗ trợ của Pháp và các đối tác đối trong việc triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam. Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các đối tác G7 và EU, trong đó có Pháp với mục tiêu triển khai hiệu quả những cam kết đã có và huy động nguồn lực cần thiết cho JETP.

Quang cảnh buổi làm việc

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh nhu cầu rất lớn của Việt Nam về vốn, công nghệ và đào tạo nhân lực trong các ngành năng lượng mới như điện gió ngoài khơi, lưới điện thông minh, hydrogen xanh… và đề nghị Pháp với những kinh nghiệm, nguồn lực và công nghệ tiên tiến sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện chuyển đổi năng lượng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao hoạt động của một số tập đoàn, công ty lớn của Pháp trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, đồng thời khẳng định Bộ Công Thương luôn tạo điều kiện hỗ trợ và mong chờ sự nỗ lực hết mình từ phía các doanh nghiệp EU nói chung, Pháp nói riêng nhằm đạt được kết quả tốt nhất.

Thứ trưởng khẳng định Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Pháp trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, công nghiệp, năng lượng Việt Nam - Pháp trong thời gian tới đây.

Thảo luận để hoàn thiện dự thảo nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Bộ Công Thương vừa tổ chức cuộc họp thảo luận một số nội dung liên quan đến dự thảo Nghị định quy định cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 356/TB-VPCP ngày 30/7/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp với các cơ quan để thảo luận và thống nhất một số nội dung theo chỉ đạo tại Thông báo số 356 để bổ sung vào dự thảo Nghị định quy định cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Phát biểu tại cuộc họp, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Các nội dung chỉ đạo tại Thông báo 356 gồm 8 vấn đề chính liên quan đến: hoàn thiện khái niệm “tự sản, tự tiêu” đối với điện mặt trời mái nhà, trong đó bổ sung tỷ lệ bán lượng điện dư để làm rõ hơn nội hàm điện mặt trời tự sản, tự tiêu; nghiên cứu, tính toán tỷ lệ điện dư bán lên lưới điện quốc gia theo hướng khu vực miền Bắc được bán lên lưới lượng điện dư là 20% tổng công suất; làm rõ quy định về điện đấu nối lên lưới điện quốc gia; rà soát quy trình, thủ tục hành chính theo hướng đơn giản tối đa trong triển khai các dự án; rà soát chính sách ưu đãi về thuế theo pháp luật về thuế; nghiên cứu thêm giải pháp về giá bán điện dư.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến các nhóm vấn đề trên. Theo đó, các đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị định cần được rà soát kỹ lưỡng, bổ sung các quy định cụ thể, chặt chẽ để sau khi ban hành, các đơn vị điện lực, địa phương, nhà đầu tư có thể triển khai ngay mà không cần chờ thêm hướng dẫn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đề nghị, ngay sau cuộc họp, ban soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện dự thảo Nghị định để sớm trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm