A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin môi trường số 15/2023

Tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã vừa tiếp và làm việc với Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis.

Tăng cường hợp tác với Liên Hợp Quốc trong phát triển bền vững

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, đối với việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030, chương trình được cả hai bên chú trọng, Chính phủ Việt Nam sẽ giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tìm cơ chế thống nhất, có chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy hiệu quả quá trình hợp tác với Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, Việt Nam đang chịu nhiều tác động và phải dành nhiều nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam rất cần sự chung tay hỗ trợ từ phía Liên Hợp Quốc đối với vấn đề này, đặc biệt là việc hỗ trợ thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp và làm việc với đoàn công tác của Liên Hợp Quốc tại Trụ sở Chính phủ

Trong buổi làm việc, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc Pauline Tamesis đề cao những đóng góp chủ động, tích cực và hiệu quả của Việt Nam đối với các hoạt động của Liên Hợp Quốc; cũng như những cam kết gần đây của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26. Điểm lại một số kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc, bà Pauline Tamesis đề xuất Việt Nam tạo môi trường thuận lợi để tổ chức có thể phối hợp chặt chẽ hơn trong việc thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, đặc biệt liên quan đến cơ chế quản lý.

Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc khẳng định, Liên Hợp Quốc cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành để Việt Nam có thể nắm bắt những cơ hội mới và ứng phó với các thách thức, huy động nguồn lực quốc tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thẩm định Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia đã ký Quyết định số 21/QĐ-HĐTĐQH ban hành kế hoạch tổ chức thẩm định Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tổ chức thẩm định Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa tiến độ, các bước triển khai thực hiện công tác thẩm định Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phân công trách nhiệm với các Bộ, ngành, địa phương (thông qua thành viên Hội đồng thẩm định) trong quá trình thẩm định quy hoạch.

Quyết định nêu rõ, các trách nhiệm cụ thể của các thành viên Hội đồng là nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch, chuẩn bị ý kiến góp ý bằng văn bản tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định. Thẩm định các nội dung của quy hoạch theo quy định Điều 32 Luật Quy hoạch, trong đó nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với các nội dung liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ của Bộ, ngành, đơn vị được cử đại diện và tham gia ý kiến đối với các vấn đề liên quan khác của quy hoạch nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của Quy hoạch.

Phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch rà soát các nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định trong hồ sơ, tài liệu quy hoạch trước khi hồ sơ, tài liệu quy hoạch được đóng dấu xác nhận.

Ứng dụng công nghệ cao để giảm phát thải nhựa

Hội nghị thường niên của Nhóm công tác thực hiện Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) là cơ hội để xây dựng, củng cố mối quan hệ, kết nối các chủ thể công tư và cộng đồng, nhằm hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và quản lý chất thải nhựa, biến thách thức nhựa thành cơ hội, động lực cho Việt Nam triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức với việc ứng dụng công nghệ cao để giảm phát thải nhựa.

Hội nghị lần 2 của Nhóm công tác thực hiện Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa

Trong Hội nghị lần 2 của Nhóm công tác thực hiện Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa diễn ra mới đây, Nhóm công tác đã trình bày những kết quả NPAP Việt Nam đạt được trong hai năm qua cùng kế hoạch hoạt động năm 2023, trong đó định hướng thành lập các Nhóm kỹ thuật tập trung thúc đẩy chính sách, đổi mới sáng tạo và khơi nguồn tài chính, giới và phát triển toàn diện trong kế hoạch thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, NPAP là sáng kiến hỗ trợ xây dựng một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Thông tư hướng dẫn thực hiện và hỗ trợ việc triển khai thực hiện Luật, Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa. Chương trình cũng hỗ trợ Việt Nam tham gia Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa và cung cấp các công cụ quản lý rác thải nhựa; xây dựng báo cáo nghiên cứu đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam; hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; xúc tiến một số dự án mới thông qua nền tảng NPAP với sự tham gia tích cực và gắn kết các thành viên. Đặc biệt, chương trình còn thu hút sự tham gia tích cực từ các khối công - tư trong việc giảm thiểu nhựa dùng một lần; tăng cường bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong ngành nhựa.

Kim Bảo


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm