Xuất hiện ca tử vong do bệnh bạch hầu, tỉnh chỉ đạo khẩn
Sau khi xác định 119 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân tử vong do bạch hầu ở huyện Kỳ Sơn, bên cạnh giám sát tiến hành điều tra, lấy mẫu xét nghiệm và nâng cao công tác tuyên truyền, Sở Y tế Nghệ An đã có những chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch bệnh này.
Qua báo cáo từ cơ sở, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 1 trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu là nữ (18 tuổi), trú bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn.
Ngành Y tế Nghệ An và huyện Kỳ Sơn xác định 119 trường hợp tiếp xúc cùng bệnh nhân. 119 người này thường trú tại 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. Trong đó, có 2 người đã rời khỏi địa bàn, ra tỉnh Bắc Giang làm việc. Hiện tại, 1 người có biểu hiện đau họng và xét nghiệm cho kết quả dương tính với bạch hầu.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An, trên địa bàn vừa ghi nhận 1 bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu. Bệnh nhân là em P. T. C. (18 tuổi), trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn.
Trước đó, ngày 24/6, bệnh nhân này có biểu hiện sốt, ho, đau họng, tự mua thuốc điều trị (thuốc Tây và thuốc Nam) nhưng không đỡ.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về trường hợp bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, CDC Nghệ An đã cử đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm chẩn đoán; đồng thời cử đội phản ứng nhanh đến tại địa phương nơi ghi nhận ca mắc tiến hành điều tra, giám sát hướng dẫn, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống và kiểm soát bệnh bạch hầu.
Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng xác định có 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.
Ngày 5/7, CDC Nghệ An nhận được thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về kết quả xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn C.diphtheria (bạch hầu).
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và có thể bùng thành dịch. Bệnh được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có tỷ lệ tử vong cao, người nhiễm bệnh có thể tử vong trong vòng từ 6 đến 10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.
Được biết, trong những năm qua, ở huyện Kỳ Sơn vẫn xuất hiện các trường hợp mắc bệnh bạch hầu (năm 2017 ghi nhận 1 ca tại xã Mường Típ; năm 2021 ghi nhận 5 ca tại xã Hữu Lập; năm 2022 ghi nhận 2 ca tại xã Na Loi).
Thời điểm này, ngành Y tế Nghệ An và các địa phương liên quan đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch: Điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, khử trùng, cách ly, cho uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh, hướng dẫn điều trị tại chỗ, chú trọng công tác truyền thông, tuyên truyền cho người dân...
Trong khi đó, theo báo cáo của y tế địa phương, huyện Kỳ Sơn có bệnh bạch hầu lưu hành trong nhiều năm, các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân trong đợt này phân bố ở nhiều xã trong huyện, và các xã thuộc địa phương bên cạnh là huyện Tương Dương. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh bạch hầu còn thấp trong 2 năm qua, thái độ người dân chưa nhận thức đúng về mức độ nguy hại của bệnh. Do vậy, cần tập trung, quyết triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý ổ dịch và các hoạt động phòng, chống dịch bạch hầu trên toàn huyện, hạn chế thấp nhất bệnh lây lan diện rộng, kéo dài.
Trước diễn biến của bệnh, ngay tối qua (8/7), Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 2185/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.
Tại văn bản gửi CDC; trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An yêu cầu giám đốc đơn vị y tế trên địa bàn khẩn trương tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu; phát hiện sớm, hướng dẫn tổ chức cách ly kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài đối với các trường hợp mắc bệnh, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch.
Chỉ đạo tăng cường hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng, chống để người dân tự giác và chủ động phòng tránh; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ mũi tiêm; chủ động phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong trường học về các biện pháp vệ sinh cá nhân, thường xuyên lau rửa sàn nhà, vật dụng bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất tử vong có thể... Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch (nếu có) và khuyến cáo người dân tiêm phòng vắc-xin có thành phần bạch hầu tại các điểm tiêm dịch vụ đối với những đối tượng không được tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cùng với đó đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi, an toàn, chất lượng, đặc biệt, rà soát các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đầy đủ các vắc-xin có thành phần bạch hầu để tổ chức tiêm vớt.
Đảm bảo tất cả các trẻ kể cả trẻ vãng lai trên địa bàn đều được tiêm đủ các mũi tiêm cơ bản và nhắc lại, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế để tránh việc trẻ bị mắc bệnh do tiêm vắc-xin muộn hoặc không được tiêm vắc-xin.