A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng hệ thống giám sát vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước

Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước cấp Trung ương. Đây là công cụ quan trọng để giám sát vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước.

Hệ thống giám sát tài nguyên nước cấp Trung ương được xây dựng trên nền tảng website, có thể mở trực tiếp trên máy tính và điện thoại di động. Hệ thống được tích hợp và chia sẻ với hệ thống dịch vụ công, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc theo 2 mô hình: Mô hình tổng quát hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước cấp Trung ương và Mô hình liên kết, tích hợp, chia sẻ.

Hệ thống giám sát tài nguyên nước Trung ương hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý tại Trung ương và các địa phương. Theo đó, Hệ thống cung cấp thông tin giám sát việc khai thác, sử dụng nước. Từ các thông tin báo cáo có thể xây dựng các chính sách, kế hoạch, đề xuất các giải pháp để bảo vệ tài nguyên, môi trường, điều hòa phân bổ tài nguyên nước, vận hành hồ, liên hồ chứa trên các lưu vực sông. Đây cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng để quản lý cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước của 63 tỉnh/thành phố phục vụ công tác kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu.

Trong đó, phần mềm đã đáp ứng được các yêu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước như: Cập nhật thông tin giấy phép tài nguyên nước của Trung ương và địa phương; thống kê giấy phép, công trình theo đơn vị hành chính, thời kỳ; thời hạn giấy phép; tìm kiếm, quản lý thông tin giấy phép, công trình, thông tin tài nguyên nước; tìm kiếm, quản lý thông tin giấy phép, công trình, thông tin tài nguyên nước; hiển thị trên bản đồ...

Theo thống kê của Cục Quản lý tài nguyên nước, tính đến 4/2024 đã có 57 Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai kết nối thông tin về Hệ thống; gần 9000 giấy phép về tài nguyên nước các loại do UBND cấp tỉnh được nhập lên hệ thống giám sát tài nguyên nước;…

Ngoài ra, Hệ thống giám sát tài nguyên nước Trung ương đã tiếp nhận hơn 850 các công trình đăng ký kết nối về Hệ thống; trong đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đã thực hiện phê duyệt đối với khoảng 750 công trình để truyền dữ liệu về Hệ thống; các công trình còn lại đang trong quá trình chỉnh sửa, chờ phê duyệt.

Theo Báo cáo tài nguyên nước quốc gia, tổng lượng nước trên phạm vi toàn quốc trung bình nhiều năm khoảng 935,9 tỷ m3/năm; trong đó nguồn nước mặt khoảng 844,4 tỷ m3/năm; nguồn nước dưới đất khoảng 91,5 tỷ m3/năm. Mặc dù chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng, tuy nhiên trong những năm gần đây tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Đảng và Chính phủ đã có các chỉ đạo nhằm khẩn trương thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước. Đặc biệt là Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Luật Tài nguyên nước 2023 đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2023, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giải quyết được những vấn đề về tài nguyên nước hiện nay và nhìn được xa hơn trong thời gian tới, đảm bảo an ninh nguồn nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế, môi trường. Đây cũng là bước thay đổi lớn và kịp thời, nhất là trong bối cảnh nguồn nước đang ngày càng có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm dưới tác động mạnh mẽ bởi quá trình phát triển kinh tế - xã hội và của các quốc gia thượng nguồn.

Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước 2023 đã có các quy định hướng tới để tài nguyên nước dần thực sự được coi là tài sản quốc gia và có giá trị cao về mặt kinh tế - xã hội. Theo đó, cần có các quy định nhằm thay đổi cơ bản nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong khai thác, sử dụng nước và việc phải bảo vệ nguồn tài nguyên nước quốc gia là cần thiết./.

Nguyễn Hồng Điệp


Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Điệp
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm