A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng mạnh

Theo số liệu khảo sát năm 2014, số học sinh sử dụng thuốc lá điếu khoảng 4,67%, đến năm 2019 giảm còn 2,67% và đến năm 2023 giảm còn 1,9%. Tuy nhiên số học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng lại tăng mạnh từ 2,6% vào năm 2019 đến 8% vào năm 2023.

Báo cáo thực trạng và kết quả triển khai công tác phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh, sinh viên, tại hội thảo công bố công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Bộ Y tế vừa tổ chức, ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới xây dựng Báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe của học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019 và phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế tổ chức khảo sát thực trạng sử dụng thuốc lá mới trong học sinh, tập trung vào nhóm 13-17 tuổi (khảo sát năm 2021, năm 2023), kết quả cho thấy, tình trạng tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điếu truyền thống có giảm (khoảng gần 50% trong 5 năm). Tuy nhiên tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng  tăng mạnh trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023. 

Bên cạnh đó, một số vụ học sinh bị ngộ độc thuốc lá điện tử hoặc sử dụng thuốc lá điện tử có pha trộn chất ma túy đã xảy ra trong trường học tại Quảng Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…cho thấy tính chất nguy hiểm của các sản phẩm thuốc lá mới đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đảm bảo an toàn trường học và an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Phân tích về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với học sinh, sinh viên, Báo cáo khảo sát cho thấy, thuốc lá ảnh hưởng đối với sức khỏe thể chất; sức khỏe tinh thần. Học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi khói thuốc thụ động và môi trường xung quanh, dẫn đến các hành vi vi phạm khác như trộm cắp, trấn lột,… Học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng dẫn đến nghiện ma túy.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, số học sinh, sinh viên chuyển từ sử dụng thuốc lá truyền thống sang thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng. 

Theo số liệu khảo sát năm 2014, số học sinh sử dụng thuốc lá điếu khoảng 4,67%, đến năm 2019 giảm còn 2,67% và đến năm 2023 giảm còn 1,9%. Tuy nhiên số học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng lại tăng mạnh từ 2,6% vào năm 2019 đến 8% vào năm 2023.

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Nho Huy cho biết, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm công tác tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong trường học. Bộ đã ban hành Tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông; Tổ chức tập huấn một số buổi truyền thông tại cơ sở giáo dục. Tổ chức truyền thông qua các cơ quan báo chí. Tuyên truyền qua mạng xã hội; Sản xuất, cấp phát ấn phẩm

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng lồng ghép vào chương trình giáo dục phù hợp với các cấp học. Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp Trung học cơ sở; Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp Trung học phổ thông; Tổ chức tập huấn trực tuyến toàn quốc về nội dung giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào năm 2022, 2023.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện nay công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá còn gặp khó khăn, hạn chế. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa quy định cụ thể về khái niệm, chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá mới (bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng). Bên cạnh đó, quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên đối với các cơ sở giáo dục, nhưng đối với các trường đại học, cao đẳng, học viện chỉ nghiêm cấm hút thuốc lá khu vực trong nhà.

Cũng theo ông Nguyễn Nho Huy, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc kiểm tra, giám sát học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong nhà trường đặc biệt là ở ngoài nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả.

Một số cơ sở giáo dục chưa triển khai phối hợp với chính quyền địa phương trong việc cam kết không bán thuốc lá cho học sinh với các hộ kinh doanh, hàng quán gần cổng trường. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo không được cấp kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động này theo nhiệm vụ được giao tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, không cho phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, quảng cáo và lưu hành các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.

Đồng thời ban hành chính sách phù hợp để quản lý các điểm bán lẻ thuốc lá; Quy định, hướng dẫn chi tiết về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương về quy định cấm buôn bán thuốc lá ngoài cổng trường học; chế tài xử phạt và trách nhiệm xử lý của các đơn vị có liên quan.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm