A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm lại giá trị văn hóa truyền thống qua lễ hội đầu Xuân

Tháng Giêng là tháng của lễ hội, như một phần không thể thiếu của cuộc sống xã hội và tâm hồn cá nhân. Nét đẹp văn hóa đi lễ đền chùa đầu Xuân của người dân thành phố Cảng không chỉ để cầu mong 365 ngày an bình và tươi sáng, mà qua đó tìm lại được những giá trị văn hóa mang bản sắc vùng miền và văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

* Tìm lại giá trị văn hóa

Theo Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Hải Phòng, văn hóa Phật giáo giàu tính nhân văn, bác ái, vị tha và lương thiện, với lý tưởng là giúp cho con người thoát khổ, giáo dục đức tính yêu thương giữa con người với con người và môi trường thân thiện. Điều đó phù hợp với văn hóa của người Việt. Cũng có thể nói, văn hóa Phật giáo đã hòa nhập và đồng hành cùng nền văn hóa dân tộc Việt Nam, được biểu hiện trong mọi sinh hoạt xã hội, nếp sống tâm linh, phong tục tập quán, trong đó có các lễ hội của cộng đồng dân cư, làng xã ở Hải Phòng - miền đất ven biển đầy sóng, đầy gió.

Những phong tục, tập quán, lối sống tốt đẹp, lành mạnh của cộng đồng dân cư được lưu truyền và thể hiện qua các lễ hội truyền thống. Điển hình là các lễ hội Từ Lương Xâm, lễ hội Minh Thề, lễ hội núi Voi cùng hàng trăm lễ hội truyền thống khác...

Di tích Từ Lương Xâm tọa lạc trên một khu đất rộng, cao ráo, ở phía Đông Bắc của phường Nam Hải, quận Hải An. Mặt chính của Di tích nhìn về phía Đông trông ra cửa biển Bạch Đằng. Tương truyền, để chuẩn bị cho trận Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền đã chọn nơi đây làm nơi chứa lương thảo, nơi đóng đại bản doanh để quan sát và chỉ huy trận Bạch Đằng lịch sử. Đức Vương Ngô Quyền đã chọn một vị trí thuận lợi để trực tiếp chỉ huy việc xây dựng bãi cọc, bố trí lực lượng, tổ chức trận địa mai phục sẵn sàng tiêu diệt quân xâm lược Nam Hán... Đến nay, Từ Lương Xâm còn lưu giữ được 25 đạo sắc chính và hơn 20 sắc phong được sao lại có niên đại năm 1522 đến năm 1924.

Di tích Từ Lương Xâm được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1986. Năm 2022, Lễ hội Từ Lương Xâm được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sau phần lễ khai mạc, các hoạt động phần hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 24/2 đến hết ngày 27/2 (tức ngày 15,16,17 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với các hoạt động thể thao, biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Theo Chủ tịch UBND quận Hải An Dương Đình Ổn, Lễ hội Từ Lương Xâm nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về thân thế, sự nghiệp, tri ân công lao to lớn của người Anh hùng dân tộc Ngô Quyền về chiến thắng Bạch Đằng lịch sử và Di tích Từ Lương Xâm - Đại bản doanh của Ngô Quyền năm 938. Qua đó nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng của quận năm 2024.

Với Lễ hội "độc nhất vô nhị" Minh Thề - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được diễn ra từ ngày 14 tháng Giêng đến hết ngày 16 tháng Giêng hằng năm, tại khu di tích lịch sử đền, chùa Hòa Liễu, thuộc thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Đây là lễ hội có sự kết hợp giữa tín ngưỡng với giáo dục đạo lý nhân cách con người.

Tương truyền, chùa Hòa Liễu là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII, có tên là Thiên Phúc Tự. Giữa thế kỷ XVI, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu (thôn Hoà Liễu ngày nay) tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ Thiên Phúc Tự. Ngoài ra, Thái Hoàng Thái Hậu xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước để cúng dường Tam Bảo, xây được 80 ngôi chùa trong 168 ngôi chùa trong thời kỳ đó. Nhiều người theo gương bà cũng tậu ruộng cúng chùa tăng số diện tích lên đến 47 mẫu 5 sào.

Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn chia sẻ, đối với vùng đất Hải Phòng, trải suốt ngàn năm lịch sử, luôn là nơi hội tụ dân cư từ nhiều vùng miền. Biển lùi đến đâu, phù sa bồi đắp đến đâu thì con người tiến đến đó. Đô thị - Cảng biển mở mang, phát triển cũng trở thành điểm đến của những người yêu mến vùng đất này. Đây chính là một trong những đặc điểm hết sức quan trọng, góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa, phong cách sống của người dân nơi đây.

* Tạo nên một xã hội tốt đẹp và phát triển bền vững

Theo Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hải Phòng Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, thành phố Hải Phòng hiện có 552 di tích xếp hạng các cấp (trong đó có 1 di sản thế giới, 1 di tích quốc gia đặc biệt, 116 di tích cấp quốc gia, 435 di tích cấp thành phố) và 11 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Công tác giáo dục lịch sử, văn hoá ngày càng được đẩy mạnh và đa dạng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ học sinh, sinh viên. Những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được hun đúc, phát huy, gìn giữ trở thành những giá trị tinh thần vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam. Chính những giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với các yếu tố thời đại đã tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hội nhập toàn cầu.

Trong những năm qua, thành phố Hải Phòng đã luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hoá một cách toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thành phố tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu; phục hồi và bảo tồn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục di sản văn hoá tại các bảo tàng và di tích, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc.

Cùng đó, thành phố nâng cao hệ giá trị tư tưởng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là hệ tư tưởng chính trị, văn hoá trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từng bước hình thành các giá trị chuẩn mực góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, nâng cao sức mạnh nội sinh nhằm khắc phục những hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức xã hội.

Tiến sĩ Đăng Văn Hưng, Câu lạc bộ Hải Phòng học cho rằng, vấn đề đặt ra trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 phải làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh và giá trị tinh thần các di sản lịch sử văn hóa cho thế hệ ngày nay và cho mai sau. Việc làm đó chính là một trong những nhiệm vụ triển khai thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định vai trò to lớn của văn hóa "Văn hóa còn thì dân tộc còn". 

Theo đó, chúng ta cần phải đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa. Ngoài ra, có thể nghiên cứu xây dựng những trang web với việc tích hợp nhiều ngôn ngữ, như tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.. để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin về di sản, cũng như góp phần tuyên truyền, quảng bá về di sản một cách hiệu quả trong nước và ra thế giới.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc thông qua văn hóa vật thể, phi vật thể giúp cho việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, những giá trị chân, thiện, mỹ được phát huy và nhân rộng hơn, là nền tảng tạo nên một xã hội tốt đẹp và phát triển bền vững./.

Đoàn Minh Huệ


Tác giả: Nguyễn Thị Minh Huệ
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm