A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thi tốt nghiệp THPT 2024: Thí sinh mổ ruột thừa đến điểm thi bằng xe cấp cứu *Đề thi có câu hỏi ứng dụng thực tiễn

Ngày 28/6, các thí sinh trên cả nước làm bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024.

Bài thi Khoa học tự nhiên gồm 3 môn thành phần là Vật lý, Hóa học và Sinh học.  Còn bài thi Khoa học Xã hội bao gồm Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Thời gian bắt đầu cho bài thi tổ hợp là 7 giờ 30 phút, mỗi môn thi kéo dài 50 phút. Năm 2024 là năm cuối cùng Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông còn tồn tại bài thi tổ hợp. Từ năm 2025 sẽ chỉ còn các môn thi độc lập.

*Hỗ trợ tích cực cho các thí sinh

Sáng 28/6, tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) có một thí sinh vừa mổ ruột thừa vẫn đang trong thời gian điều trị tại bệnh viện và được đưa đến điểm thi bằng xe cấp cứu. Đó là thí sinh G.B, nhập viện mổ ruột thừa vào khuya 25/6 và phải nằm viện ít nhất 5 ngày.

Dù được xét đặc cách tốt nghiệp nhưng em G.B vẫn mong muốn hoàn thành kỳ thi để có kết quả xét tuyển Đại học. Ngày làm thủ tục thi, em không đến được, Hội đồng thi nhận được thông tin về tình trạng của em và cùng phụ huynh tìm cách hỗ trợ để thí sinh dự thi thuận tiện nhất.

Cô Lê Kim Mai, Phó trưởng điểm thi Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu cho biết, đến giờ đi thi, xe cấp cứu chở em từ bệnh viện vào điểm thi. Tại điểm thi có lực lượng hỗ trợ đưa em lên phòng thi. Xe cấp cứu sẽ trực bên ngoài và cuối giờ sẽ đón em về bệnh viện. Vết mổ của nam sinh còn đau, em phải đi chậm nhưng vẫn có thể ngồi làm bài trong phòng thi chung với các bạn. Trong quá trình thi, cán bộ coi thi và giám sát phòng thi thường xuyên theo dõi tình trạng của em G.B, nếu có biểu hiện bất thường sẽ có phương án hỗ trợ kịp thời.

Tại Cần Thơ cũng ghi nhận hai thí sinh đặc biệt bị gãy tay và gãy chân, được các lực lượng tại điểm thi hỗ trợ dự thi đúng quy chế. Đó là em Bùi Lê Thu Thảo, học sinh 12A6, Trường Trung học phổ thông Phan Văn Trị (huyện Phong Điền) bị gãy chân phải ngồi xe lăn. Em Nguyễn Đức Tài, học sinh Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên quận Bình Thủy, bị gãy tay. Tài dự thi tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy) và được cán bộ coi thi hỗ trợ dự thi theo quy định. Ngoài ra, tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng, Cần Thơ), thí sinh Bùi Anh Kiệt sát giờ thi vẫn chưa thấy đến điểm thi. Đoàn phường Lê Bình phối hợp cùng lực lượng tình nguyện viên Honda Hồng Đức đã đến tận nhà đón thí sinh, giúp em dự thi kịp thời gian.

Thời tiết tại Hà Giang trong ngày thi thứ hai 28/6 tương đối thuận lợi và khá mát mẻ, giúp thí sinh có tâm lý thoải mái để hoàn thành tốt bài thi. Những em nhà ở xa điểm thi đã được bố trí ở lại từ hôm trước. Các tình nguyện viên tham gia “Tiếp sức mùa thi” kịp thời có mặt để hỗ trợ thí sinh. Lực lượng Cảnh sát giao thông chủ động điều tiết, phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm thi. Kỳ thi Trung học phổ thông tại Hà Giang năm nay được tổ chức tại 32 điểm thi với 322 phòng thi chính thức; tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm nhiệm vụ trong kỳ thi là 2.100 người.

Kỳ thi năm nay tỉnh Bình Dương có hơn 15.200 thí sinh tham gia tại 29 điểm thi với 643 phòng thi. Các thí sinh rất thoải mái và vui vẻ, hy vọng sẽ đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi này và không có học sinh nào vi phạm quy chế. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng huy động hơn 2.300 người tham gia tổ chức coi thi, bảo đảm an ninh trật tự và y tế, cùng với 90 cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra tại Hội đồng thi tốt nghiệp trung học phổ thông tỉnh Bình Dương.

*Cấu trúc đề thi và độ khó tương đồng đề minh họa

Nhận định về đề thi các môn tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhiều giáo viên cho biết, đề thi có cấu trúc và độ khó tương đồng đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về cấu trúc đề thi môn Vật lý, theo thầy Bùi Mạnh Tân, Tổ trưởng tổ Vật lý, trường Trung học Bùi Thị Xuân, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh: Các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, chủ yếu là kiến thức lớp 12 Trung học phổ thông. Cụ thể, từ câu 1-32, mức độ dễ, học sinh khá dễ dàng hoàn thành các câu này. Mức độ khó được nâng lên từ câu 33-35, dành cho các học sinh khá, giỏi. Các câu còn lại đều mang tính vận dụng cao.

Trong đó, ở môn Hóa học, thầy Võ Duy Thái, Tổ trưởng tổ Hóa, Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, về cấu trúc, đề có độ tương đồng với Đề minh họa do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào 29/12/2023. Với cấu trúc đề này, không khó để học sinh có thể đạt điểm 8, 32 câu đầu chủ yếu là phần kiến thức nền tảng, cơ bản, bài tập đơn giản. Trong đó, tính phân hóa của đề nằm ở 8 câu cuối, mức độ các câu cũng có độ khó tăng dần, khó nhất ở 1 câu hỗn hợp Este và câu 2 vô cơ.

Về đề thi môn Sinh học, Thạc sỹ Phan Thị Hải Yến, giáo viên Sinh học Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, đề thi môn Sinh 90% câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, bám sát cấu trúc đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước, không nằm trong nội dung đã giảm tải. Với đề thi này khá thuận lợi cho mục tiêu xét tuyển Đại học.

Sáng 28/6, hơn 36.000 thí sinh Nghệ An đã làm bài thi tổ hợp. Đây cũng là ngày thi có số lượng thí sinh dự thi khá biến động, với hơn 26.000 thí sinh đăng ký tổ hợp môn Khoa học xã hội (chiếm hơn 73%); hơn 9.000 thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (chiếm 36%). Có một thí sinh vi phạm quy chế thi, tại Điểm thi Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng do mang điện thoại vào khu vực thi. Với đề thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên năm nay, để đạt được điểm từ 9 trở lên sẽ không dễ vì các môn thi có những câu hỏi vận dụng phân hóa cao.

Thí sinh Lê Anh Tâm, học sinh lớp 12A3, Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng cho biết em tự tin mình được 9 điểm và em sẽ lấy điểm này để xét tuyển vào Đại học Kiến trúc Hà Nội. Nhiều thí sinh nhận xét, đề thi môn Hóa học chứa một số câu hỏi liên quan đến thực tế đời sống, giúp thí sinh áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tiễn.

Em Nguyễn Văn Thể, học sinh Trường Trung học phổ thông Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương chia sẻ, đề thi năm nay duy trì cấu trúc và mức độ khó tương tự như năm trước. Đề thi Vật lý chủ yếu bao gồm kiến thức lớp 12 và một phần nhỏ kiến thức lớp 11, với các câu hỏi tập trung vào các chủ đề như dao động cơ, dòng điện xoay chiều, sóng cơ và sóng âm.

* Không dễ đạt điểm giỏi ở tổ hợp Khoa học Xã hội

Đề thi tổ hợp Khoa học Xã hội năm nay được nhiều thí sinh nhận định là bám sát chương trình học, có tính phân hóa và không dễ đạt được điểm giỏi.

Ở các môn thuộc tổ hợp Khoa học Xã hội, Thạc sỹ Thiều Quang Thịnh, giáo viên Trường Trung học phổ thông Long Thới, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cấu trúc đề thi bám sát đề tham khảo với 75% nhận biết, thông hiểu (30 câu đầu), 25% vận dụng (10 câu cuối). 4 câu thuộc nội dung Lịch sử 11: 2 câu Lịch sử Việt Nam (cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20) và 2 câu lịch sử thế giới (Chiến tranh thế giới thứ 2 và Cách mạng tháng Mười Nga 1917). Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình Lịch sử 12 với những câu hỏi vận dụng tập trung phần lịch sử Việt Nam. Nhìn chung, đề thi này sẽ đáp ứng đủ yêu cầu xét tốt nghiệp Trung học phổ thông. Thang điểm 5.5-6 sẽ chiếm số lượng nhiều.

Nhiều thí sinh cho rằng, với bài thi tổ hợp Khoa học xã hội năm nay, nếu nắm chắc kiến thức cơ bản, ôn tập kỹ trong sách giáo khoa và nắm kiến thức cơ bản thì sẽ hoàn thành được bài thi, thậm chí có thể đạt được điểm 8. Với những thí sinh thi để qua môn thì sẽ hơi khó vì có nhiều câu phân đòi hỏi tư duy.

Ghi nhận tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Vinh, Nghệ An), em Nguyễn Lan Hương nhận xét giữa các môn thi có sự chênh lệch về độ khó – dễ. Bản thân em thấy phần Lịch sử có vẻ dễ thở hơn Địa lý và Giáo dục công dân.  Em tự tin với môn Giáo dục công dân nhất vì các dạng bài em đã được ôn kỹ. Em nghĩ sẽ được khoảng 26 điểm cho tổ hợp Khoa học xã hội này.

Em Yến Nhi, học sinh lớp 12D trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Vinh, Nghệ An) phấn khởi chia sẻ: Câu hỏi hai môn Lịch sử và Địa lý được phân bổ kiến thức đồng đều. Địa lý có mới lạ hơn nhưng cũng không quá khó, đòi hỏi học sinh kỹ năng xem Atlat và đào sâu suy nghĩ để làm bài tốt.

Cô Phạm Thị Luyến, Tổ trưởng chuyên môn tổ Giáo dục công dân trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đề thi môn Giáo dục công dân năm nay 90% là kiến thức nằm trong chương trình lớp 12, còn 10% là kiến thức của chương trình  lớp 11. Học sinh nếu học bài sẽ được 8 điểm trở lên. Trong đề thi có một số câu tình huống pháp luật học sinh phải đọc kỹ đề, xác định đúng yêu cầu của đề để tránh bị nhầm lẫn đáng tiếc. Đặc biệt, đề thi năm nay có một số câu hỏi mang tính nhận định đúng, sai. Với đề thi này, phổ điểm sẽ không có nhiều biến động so với các năm trước.

Chiều 28/6, thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngoại ngữ, môn thi cuối cùng trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024./.

PV TTXVN tại các địa phương


Tác giả: Hà Thị Thanh Giang
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm