Sở GD&ĐT Bình Dương yêu cầu trường học minh bạch trong thu, chi
Những ngày đầu năm học 2024-2025, nhiều nơi vướng lùm xùm trong việc thu các loại quỹ, trong đó có quỹ phụ huynh.
Trường Tiểu học Hoà Phú không thu quỹ được phụ huynh đồng tình, ủng hộ - Ảnh: Yến Nhi. |
Trước vấn đề trên, Sở GD&ĐT Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý các khoản thu, chi; đồng thời yêu cầu các trường tăng tính minh bạch trong việc thu, chi các khoản.
Cần minh bạch trong các khoản thu, chi
Bước vào đầu năm học 2024-2025, nhiều nơi vướng lùm xùm liên quan đến việc đóng học phí, thu quỹ phụ huynh. Có nơi, giáo viên còn vận động phụ huynh xin tiền để "mua laptop", điều này khiến nhiều phụ huynh bức xúc cũng như lên án hành vi của giáo viên.
Trước những vấn đề trên, Sở GD&ĐT Bình Dương đã ra văn bản về việc hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục năm học 2024-2025 của các cơ sở giáo dục công lập tại tỉnh Bình Dương. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến vấn đề thu quỹ phụ huynh đối với các trường trên địa bàn.
Theo Sở GD&ĐT Bình Dương, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh ( gọi tắt là Thông tư 55). Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh (Ban hành kèm theo Thông tư số 55).
Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Các khoản kinh phí ủng hộ của người học hoặc gia đình người học cho Ban đại diện cha mẹ học sinh theo nguyên tắc tự nguyện; không sử dụng kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh để chi cho các nội dung sau: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”.
Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh do Ban đại diện cha mẹ học sinh thu và quản lý sử dụng. Thủ trưởng đơn vị không nhận uỷ quyền từ Ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc thay mặt Ban đại diện cha mẹ học sinh sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh....
Nhiều trường không thu quỹ phụ huynh
Nhiều trường ở Bình Dương không thu quỹ phụ huynh học sinh như Trường tiểu học An Phú, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thuận An), Trường THCS Vĩnh Hoà (huyện Phú Giáo),.... Trong đó phải kể đến Trường Tiểu học Hoà Phú, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), trường không thu bất kì khoản phí nào trong đầu năm học ngoài việc đóng phí vệ sinh (99.000 đồng/năm).
Đây là ngôi trường nằm gần nhiều khu công nghiệp như KCN Vsip 2, KCN Đồng An... học sinh chủ yếu là con em của công nhân, người lao động, việc không thu quỹ phụ huynh học sinh khiến nhiều phụ huynh giảm được gánh nặng khi có con đang theo học tại trường.
Một phụ huynh có con trai học tại trường cho biết, trường không yêu cầu phụ huynh đóng bất kỳ tiền quỹ gì trong đầu năm học. Trong lúc họp, phụ huynh đã thống nhất với nhau và với cô giáo chủ nhiệm.
"Ban giám hiệu nhà trường cũng không cho phép cô giáo chủ nhiệm thu bất kỳ khoản gì của học sinh ngoài thu tiền vệ sinh 99.000 đồng/năm", người đàn ông nói.
Theo phụ huynh này, tiền vệ sinh 99.000 đồng/năm, chia ra thì chỉ có 11.000 đồng/tháng/28 ngày đi học, thì chỉ có bỏ khoảng 500 đồng/ngày nhưng mà các cháu đi học, được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ.
Bà Trần Thị Giang, làm nghề buôn bán tại phường An Phú, TP Thuận An (Bình Dương) có cháu đang học lớp 6 tại trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, phường An Phú cho biết.
Đầu năm học chỉ đóng các khoản như học phí và tiền BHYT nhưng cũng không quá nặng nề. Thầy cô cũng không thu các khoản khác mà nhà trường đã đề ra. Về quỹ lớp đầu năm, giáo viên chủ nhiệm chỉ thu hơn 200.000 nhưng để in đề cương, bài tập cho các cháu. Nếu không đóng quỹ, khi in tài liệu cô giáo sẽ thông báo số tiền và chia ra cho toàn bộ học sinh.Nếu thu như vậy sẽ rất lắt nhắt nên giáo viên thu một lần.
"Khi đi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo về số tiền quỹ trên. Nếu cuối năm, tiền quỹ dư thì sẽ trả lại cho học sinh hoặc mua vở tặng học sinh giỏi của lớp nên phụ huynh có mặt đều đồng ý", bà Giang nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Công, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoà Phú cho biết, hàng năm ngành giáo dục đều hỗ trợ nhà trường khoảng 90 triệu đồng/năm để sửa chữa. Nhà trường dùng kinh phí đó để sửa chữa điện, quạt nếu bị hư. Nếu sửa chữa với kinh phí nhiều hơn như lát gạch, sơn tường thì đã có ngành giáo dục và thành phố thực hiện.
"Trường không thu quỹ phụ huynh và thu bất kỳ phí gì của phụ huynh trong đầu năm học. Trường chỉ thu 99.000 đồng/năm tiền vệ sinh, đồng thời nhà trường có vận động phụ huynh đóng BHYT cho học sinh để các bé được đảm bảo quyền lợi khi ốm đau", ông Công chia sẻ.
Bình Dương không tăng học phí năm học 2024-2025
Trước đó, HĐND tỉnh Bình Dương ban hành Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh.
Mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên với mức thu khác nhau tùy vào trường đạt chuẩn quốc gia và chưa đạt chuẩn quốc gia, vùng với mức thu từ 40.000 đồng/học sinh/tháng đến 180.000 đồng/học sinh/tháng.
Như vậy, mức học phí của năm học 2024-2025 sẽ không thay đổi so với năm học trước. Việc không tăng học phí trong năm học mới cho thấy Bình Dương luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia học tập.