A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quá trình cấp "hộ chiếu vaccine" từ ngày 15/4 sẽ được thực hiện như thế nào?

Dự kiến, từ ngày 15/4 tới, Bộ Y tế sẽ cấp “hộ chiếu vaccine” cho người dân. Theo đó, "Hộ chiếu vaccine" sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC-Covid, hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố để hướng dẫn triển khai cấp “hộ chiếu vaccine” và quán triệt việc bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng COVID-19. Dự kiến, từ ngày 15/4 tới, Bộ Y tế sẽ cấp “hộ chiếu vaccine” cho người dân.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Trường Duy, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, đến nay công tác chuẩn bị triển khai cấp "hộ chiếu vaccine" cơ bản đã hoàn thành. Người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ được cấp "hộ chiếu vaccine" mà không phải thực hiện thủ tục gì.

"Hộ chiếu vaccine" sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC-Covid, hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Đối với những người dân chưa được cấp "hộ chiếu vaccine" do thiếu hoặc sai thông tin, ông Duy cho hay, người dân cần phản ánh trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn), hoặc liên hệ trực tiếp cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, chỉnh sửa. Đại diện Bộ Y tế cho biết, ngay từ bây giờ, người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng của mình trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.

"Hộ chiếu vaccine" thực chất là ký xác nhận chứng nhận tiêm điện tử. Chứng nhận này được cấp theo tiêu chuẩn châu Âu để khi người dân nhập cảnh, hoặc di chuyển mà cần cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng thì đây được coi như giấy thông hành, giúp người dân dễ dàng khi nhập cảnh các quốc gia khác.

Theo đó, quy trình cấp hộ chiếu vaccine gồm 3 bước:

Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh và xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng.

Bước 2: Sau khi các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác thực thông tin người dân tiêm chủng chính xác thì sẽ ký số để xác nhận thông tin người dân tiêm chủng. Sau đó, dữ liệu sẽ được đưa về hệ thống quản lý cấp chứng nhận "hộ chiếu vaccine".

Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm ký số tập trung để cấp "hộ chiếu vaccine".

Tính đến ngày 4/4, BV Bạch Mai đã thực hiện ký chứng nhận 2.013 đối tượng với gần 6.000 mũi tiêm. Tại TPHCM có BVĐK Gia An 115 đã thực hiện ký chứng nhận 425 đối tượng.

Để bảo đảm lợi ích của người đã tiêm chủng, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các cơ sở tiêm chủng trên cả nước rà soát, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng COVID-19, nhập dữ liệu người dân tiêm chủng COVID-19 đầy đủ, chính xác lên hệ thống phục vụ cấp "hộ chiếu vaccine" và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trước đó, các thông tin tiêm chủng của người dân chưa được chuẩn hóa và cũng chưa được cập nhật theo tiêu chí châu Âu nên không thể sử dụng khi người dân xuất hoặc nhập cảnh.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ làm việc tiếp với Bộ Ngoại giao để đàm phán, thống nhất với các quốc gia đã công nhận chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam. Từ đó, sẽ xác nhận lại ứng dụng nào sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sử dụng khi xuất nhập cảnh, cũng như các quốc gia sẽ đọc được các dữ liệu trên ứng dụng của chúng ta. Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao sẽ có hướng dẫn hoặc thông báo cụ thể tới người dân.

https://cafef.vn/qua-trinh-cap-ho-chieu-vaccine-tu-ngay-15-4-se-duoc-thuc-hien-nhu-the-nao-20220405085734162.chn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm