Quảng Ninh khởi tố 57 vụ, 226 bị can về các tội tham nhũng
Trong 4 năm (2020-2023), cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp của tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố 57 vụ, 226 bị can về các tội tham nhũng; trong đó, đã giải quyết 53 vụ, 221 bị can. Chỉ tính riêng trong năm 2023, đã tiến hành khởi tố, điều tra 46 vụ với 144 bị can về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, tiêu cực…
Những năm qua, bám sát thực tiễn địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trong đó, chủ động ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thường xuyên rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành; tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giảm cơ chế “xin - cho” và quan tâm chuyển đổi vị trí công tác theo quy định…
Đồng thời, tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh từ xa, từ sớm, từ cơ sở, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn.
Cùng với các giải pháp phòng ngừa, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra về PCTN cũng được Quảng Ninh đẩy mạnh.
Tính từ năm 2020 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thực hiện 6 cuộc kiểm tra, giám sát về PCTN, tiêu cực. Cũng trong thời gian này, đã có 275 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, thu hồi về ngân sách Nhà nước 69,8 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2023, đã có 170 cuộc thanh tra, kiểm tra về kinh tế - xã hội được triển khai (tăng 35 cuộc so với năm 2022), thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 17 tỷ đồng; 16 cuộc thanh tra trách nhiệm, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 1,8 tỷ đồng.
Điều đáng nói, các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và nhân dân cũng phát huy được vai trò, trách nhiệm trong PCTN, tiêu cực.
Từ năm 2013 đến nay, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thẩm tra 45 báo cáo kết quả công tác của tòa án, viện kiểm sát, cục thi hành án dân sự; đồng thời, tổ chức chương trình giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề liên quan đến các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực. Đến nay, đã tổ chức 224 cuộc giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN, tiêu cực.
Với sự quan tâm chỉ đạo bài bản, chặt chẽ và các giải pháp được triển khai quyết liệt, không nể nang, né tránh, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, trong 4 năm (2020-2023), cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp của tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố 57 vụ, 226 bị can về các tội tham nhũng; trong đó, đã giải quyết 53 vụ/221 bị can.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, đã tiến hành khởi tố, điều tra 46 vụ với 144 bị can về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, tiêu cực; chỉ đạo kết thúc giải quyết 2 vụ án lớn là vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần quản lý Đường sông 3 và vụ án liên quan đến Công ty Việt Á xảy ra tại thị xã Đông Triều.
Đưa ra xét xử vụ án “lạm quyền trong thi hành công vụ” xảy ra tại Hợp tác xã Nông nghiệp Liên vị 1, thị xã Quảng Yên. Hiện đang hoàn thiện thủ tục để kết thúc điều tra bổ sung vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Quảng Yên.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác PCTN, tiêu cực tiếp tục được tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thống nhất từ tỉnh xuống địa phương. Qua đó, nhiều vụ án tham nhũng đã được xử lý nghiêm; thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ cao so với bình quân chung của cả nước…
Những kết quả đáng ghi nhận trong công tác PCTN, tiêu cực đã góp phần củng cố vững chắc thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và chế độ; tạo ra hiệu ứng đáng kể, bước chuyển tích cực để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh ngày càng trong sạch, vững mạnh.